Phân tích nhân vật là dạng bài phổ biến trong đề thi Ngữ Văn lớp 9. Novateen sẽ mách bạn cách làm bài văn phân tích nhân vật đúng phương pháp.
Nhân vật là trung tâm của một tác phẩm văn học. Thông qua nhân vật, tác giả muốn gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ý niệm, câu chuyện. Để hiểu được hàm ý sâu sắc của một tác phẩm, học sinh cần phân tích nhân vật. Từ đó phản chiếu ánh nhìn của tác giả về vấn đề được đặt ra.
Để phân thích nhân vật đầy đủ, đúng phương pháp, nắm được những ngụ ý của tác giả. Novateen gợi ý bạn các bước phân tích như dưới đây.
Phân tích nhân vật từ hoàn cảnh sáng tác
Mỗi một nhân vật được tác giả gây dựng lên đều gắn liền với một dấu mốc thời gian nào đó. Những diễn biến của lịch sử góp phần tác động đến tính cách và hành động của nhân vật. Hoàn cảnh sáng tác cũng tạo nên lai lịch của nhân vật. Ví dụ như nhân vật Thúy Kiều, sinh ra trong thời kỳ xã hội phong kiến. Bởi vậy, những tâm tư tình cảm hay hành động của cô không thể tự chủ và độc lập như phụ nữ thế kỷ hai mươi mốt được. Dòng đời xô đẩy Thúy Kiều vào những thứ mà bản thân cô không biết làm sao để thoát ra.
Hay như nhân vật “tôi” trong tác phẩm Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu. Anh là chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong con người anh chứa đầy tinh thần quả cảm, chiến đấu vì tổ quốc. Vậy nên, nhân vật tôi hay người “đồng chí” đều đại diện cho hình ảnh người chiến sĩ anh dũng.

Phân tích nhân vật từ ngoại hình
Ngoại hình hay tướng mạo là thứ phản ánh lên phần nào tính cách của một con người. Ngoại hình của nhân vật được thể hiện ở những miêu tả về vóc dáng, làn da, quần áo, đầu tóc,… Dáng ngoài của cơ thể phản ánh nội tâm bên trong. Bởi thế mà ca sĩ người anh James Blunt đã viết: “Cuộc hành trình của đời em in hằn lên làn da em”.
Một người có vẻ ngoài chỉn chu, hẳn nhiên cuộc sống của họ khá đủ đầy. Tâm hồn họ yêu cái đẹp, yêu bản thân và quan tâm đến cảm nhận của người khác về mình. Ngược lại, một nhân vật có dáng vẻ xuề xòa cáu bẩn, hẳn là họ đã có một cuộc đời kham khổ gian nan. Đương nhiên, phân tích nhân vật từ ngoại hình chỉ giúp ta nhận ra một phần nào đó về nhân vật. Tính cách nhân vật vẫn là thứ cốt yếu tạo nên tình huống và diễn biến câu chuyện.
Phân tích nhân vật qua ngôn ngữ
Lời nói của một con người luôn mang theo dấu ấn cá nhân. Lời nói thể hiện trình độ văn hóa, nhận thức, cảm xúc, kinh nghiệm, quan điểm sống,… Qua những lời nhân vật nói, ta có thể hiểu được phần nào dụng ý xây dựng nhân vật của tác giả. Từ đó nắm được hàm ý của cả tác phẩm.
Phân tích nhân vật qua nội tâm
Nội tâm của nhân vật là thứ khó nắm bắt nhất trong một tác phẩm văn học. Nhưng cũng là thứ mang nhiều cảm xúc nhất. Hãy thử nhớ lại trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều. Những cảnh vật mà Thúy Kiều nhìn thấy, những điều mà Thúy Kiều đang hoài niệm. Đều thể hiện tâm trạng buồn bã của Kiều khi rơi vào chốn lầu xanh. Thêm nữa, đó là nỗi lo cho cha, cho các em của Kiều. Nỗi nhung nhớ người thương Kim Trọng khi tình duyên lỡ dở.

Nội tâm của nhân vật là thứ mang nhiều lớp ý nghĩa nhất trong một tác phẩm. Nội tâm càng đơn giản, thì nhân vật càng vô tư, thoải mái. Trái lại, những nhân vật có nội tâm luôn giằng xé, luôn phiền muộn, thường là những người hay buồn bã và lo âu. Mỗi một người mang một thứ nội tâm khác nhau. Vậy nên, phân tích nội tâm nhân vật để hiểu nhân vật đó như thế nào là điều cực kỳ quan trọng.
Phân tích nhân vật qua hành động
Những cử chỉ, việc làm của nhân vật chính là hành động. Đây là phương diện quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật. Từ những hành động nhỏ nhất, đến những công việc to lớn mà nhân vật làm đều thể hiện tính cách của nhân vật. Qua đó cũng thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.