Đề văn phân tích đoạn thơ trong “Đồng chí” của Chính Hữu

Phân tích đoạn thơ trong bài Đồng Chí của Chính Hữu

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca cách mạng được đưa vào chương trình Ngữ văn 9. Bài thơ thể hiện tình đồng chí, đồng đội. Đây là tình cảm cách mạng của những người cùng chung lí tưởng cộng sản.

Bài tập sau đây sẽ giúp các con ôn tập, củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn phân tích một bài thơ.

Dạng đề văn cho bài thơ “Đồng chí”

Đề bài: Cho đoạn thơ sau

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Tôi với anh đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”

Câu 1: Đoạn thơ trên trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai? Em hãy giới thiệu ngắn gọn về tác giả bài thơ.

Câu 2: Trong đoạn thơ có từ “tri kỉ”, em hiểu “tri kỉ” là gì?

Câu 3: Chỉ ra một thành ngữ có trong đoạn và giải thích nghĩa của thành ngữ đó.

Câu 4: Trong đoạn thơ trên, nếu tác giả viết: “Anh với tôi hai người xa lạ” thì nội dung câu thơ có bị ảnh hưởng không? Tại sao?

Câu 5: Hãy khái quát về nội dung của đoạn thơ đã cho trong một câu, rồi dùng câu đó làm câu chủ đề để viết một đoạn văn theo mô hình diễn dịch.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1

– Đoạn thơ trên trích từ bài thơ “Đồng chí”, tác giả là Chính Hữu.

– Về tác giả Chính Hữu:

+ Quê quán: Can Lộc, Hà Tĩnh

+ Tên khai sinh: Trần Đình Đắc

+ Là nhà thơ sáng tác văn học trong suốt thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

+ Phong cách thơ giản dị, ngôn ngữ và hình ảnh thơ hàm súc, giàu ý nghĩa biểu cảm.

Câu 2

Học sinh giải thích được đại ý:

Tri kỉ là tình bạn thân thiết, gắn bó keo sơn. Họ cùng trải qua khó khăn, hoạn nạn, giúp đỡ và thấu hiểu, đồng cảm.

Câu 3

Thành ngữ “nước mặn đồng chua”: hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn.

Câu 4

– Nội dung câu thơ có bị ảnh hưởng

– Vì từ “hai” là lượng từ để chỉ số lượng, mang tính chất đơn lẻ. Còn từ “đôi” cũng chỉ số lượng 2 nhưng mang tính chất gắn bó, không thể tách rời. Từ đó, tác giả muốn thể hiện tình đồng chí gắn bó thân thiết, không thể tách rời.

Câu 5

Bảy câu thơ đầu trong tác phẩm “Đồng chí” của nhà thơ – chiến sĩ Chính Hữu đã khái quát những cơ sở hình thành của tình đồng chí thiêng liêng, cao đẹp.

Mở đầu đoạn thơ, tác giả viết: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Trong hai câu thơ này, tác giả đã vận dụng thành công cấu trúc thơ sóng đôi: “Quê hương anh” – “Làng tôi”, “nước mặn đồng chua” – “đất cày lên sỏi đá” tạo ra hai hình ảnh thơ đồng hiện, nhịp nhàng. Các thành ngữ “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” đã gợi ra hoàn cảnh sống, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó khăn của những người lính. Và đó cũng chính là cơ sở đầu tiên của tình đồng chí: tuy khác nhau về địa lí nhưng họ đều xuất thân từ những miền quê nghèo và có sự gắn bó sâu sắc với làng quê của mình. Từ “đôi” kết hợp với các đại từ thể hiện sự thân mật suồng sã: “anh”, “tôi” trong câu thơ “Anh với tôi đôi người xa lạ” đã làm cho hình ảnh hai người chiến sĩ từ xa lạ trở nên gần gũi, thân thiết hơn bao giờ hết. Câu thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” đã khái quát cơ sở thứ hai của tình đồng chí, đó là họ chung nhau nhiệm vụ và lý tưởng chiến đấu. “Súng” là hình ảnh hoán dụ cho nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, “đầu” là hình ảnh hoán dụ cho lý tưởng của những người chiến sĩ. Quá trình hình thành tình đồng chí diễn ra rất tự nhiên: từ sự tách biệt “quê hương anh”, “làng tôi”, cho đến lời khẳng định “đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” – cơ sở thứ ba của tình đồng chí: chung nhau hoàn cảnh sống và chiến đấu. Câu thơ thứ bảy “Đồng chí!” là câu đặc biệt, thốt lên như một nốt nhạc làm bừng sáng cả bài thơ, như một tiếng reo vui, lời khẳng định chắc nịch giữa sự kết hợp của tình bạn và tình người, đó là tình đồng chí.

Để tiếp cận phương pháp, nội dung bài học hấp dẫn đối với môn Ngữ Văn, học sinh có thể ĐĂNG KÍ HỌC THỬ tại Novateen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *