NovaTeen giới thiệu đến các bạn học sinh yêu quý Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 – học kỳ II. Thông qua đề cương này các em có thể hệ thống lại kiến thức cũng như những kiến thức cần nắm chắc. Qua đó vững vàng ôn luyện thi cuối kì đạt kết quả cao nhất.
Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 – học kỳ II
I. Phần văn bản
1. Các văn bản nghị luận hiện đại
STT | Tên bài-Tác giả | Đề tài nghị luận | Luận điểm | Phương pháp lập luận | Nghệ thuật | Nội dung | Ý nghĩa văn bản |
1 | Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) | Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. | Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. | Chứng minh | Luận điểm ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng toàn diện, tiêu biểu, thuyết phục. Bài văn là một mẫu mực về lập luận, bố cục, cách dẫn chứng của thể văn nghị luận. | Bài văn đã làm sáng tỏ chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quí báu của ta”. | Truyền thống yêu nước quý báu của nhân dân ta cần được phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới để bảo vệ đất nước. |
2 | Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) | Đức tính giản dị của Bác Hồ. | Bác giản dị trong mọi phương diện: bữa cơm (ăn), cái nhà (ở), lối sống, cách nói, viết. Sự giản dị ấy đi liền với sự phong phú rộng lớn về đời sống tinh thần ở Bác. | Chứng minh (kết hợp với giải thích và bình luận) | Dẫn chứng cụ thể, xác thực, toàn diện, kết hợp chứng minh, giải thích, bình luận.
Lời văn giản dị, giàu cảm xúc. |
Giản dị là đức tính nổi bật ở Bác Hồ: giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp. | Ca ngợi phẩm chất cao đẹp, đức tính giản dị của chủ tịch Hồ Chí minh.
Bài học về việc học tập, rèn luyện noi theo tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh. |
3 | Ý nghĩa văn chương (Hoài Thanh) | Văn chương và ý nghĩa của nó đối với con người. | Nguồn gốc của văn chương là ở tình thương người, thương muôn loài, muôn vật. Văn chương hình dung và sáng tạo ra sự sống, nuôi dưỡng và làm giàu cho tình cảm con người. | Giải thích (kết hợp với bình luận) | -Luận điểm rõ ràng,luận chứng minh bạch, đầy sức thuyết phục
-Diễn đạt bằng lời văn giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc. |
Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn. | Văn bản thể hiện quan niệm sâu sắc của nhà văn về văn chương. |
2. Các truyện hiện đại:
TT | Tên bài | Tác giả | Nội dung | Nghệ thuật | Ý nghĩa văn bản |
1 | Sống chết mặc bay | Phạm Duy Tốn | Giá trị hiện thực: Phản ánh sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống và sinh mạng của nhân dân với cuộc sống của bọn quan lại mà kẻ đứng đầu là tên quan phủ “lòng lang dạ thú”.
Giá trị nhân đạo : + Thể hiện niềm thương cảm của tác giả trước cuộc sống lầm than cơ cực của nhân dân do thiên tai + Lên án thái độ vô trách nhiệm của bọn cầm quyền trước tình cảnh, cuộc sống “nghìn sầu muôn thảm” của nhân dân. |
– Kết hợp thành công hai phép nghệ thuật tương phản và tăng cấp.
– Lựa chọn ngôi kể khách quan – Ngôn ngữ kể, tả ngắn gọn khắc họa chân dung nhân vật sinh động |
Phê phán, tố cáo thói bàng quan vô trách nhiệm của tên quan phụ mẫu; đồng cảm, xót xa với tình cảnh thê thảm của nhân dân lao động do thiên tai và thái độ vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền gây nên. |
3. Văn học dân gian: Tục ngữ:
Khái niệm | Chủ đề | Nội dung | Nghệ thuật |
Những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. | Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất | Truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên, lao động sản suất. | – Ngắn gọn, hàm xúc, giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ
– Thường gieo vần lưng – Các vế đối xứng nhau |
Tục ngữ về con người và xã hội | Tôn vinh giá trị con người, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có. | Sử dụng cách diễn đạt ngắn gọn, cô đúc.
Sử dụng các phép so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, đối, … Tạo vần, nhịp cho câu văn dễ nhớ, dễ vận dụng. |
4. Bút kí: Ca Huế trên sông Hương
TT | Bài | Xuất xứ | Thể loại | Nội dung | Nghệ thuật | Ý nghĩa tác phẩm |
1 | Ca Huế trên sông Hương | Đăng trên báo Người Hà Nội | Bút kí | – Huế nổi tiếng các làn điệu dân ca và âm nhạc cung đình
– Ca Huế là hình thức sinh hoạt văn hóa, âm nhạc, thanh lịch và tao nhã. |
– Liệt kê kết hợp với giải thích
– Miêu tả gợi hình, gợi cảm. |
Ghi chép lại một buổi ca Huế trên sông Hương và tác giả đã thể hiện được lòng yêu mến, niềm tự hào đối với di sản văn hóa độc đáo của Huế, cũng là một di sản văn hóa của dân tộc. |
II. Phần Tiếng Việt:
Rút gọn câu |
-Khi nói hoặc viết, có thể lược bỏ một số thành phần của câu, tạo thành câu rút gọn.
– Việc lược bỏ một số thành phần câu thường nhằm những mục đích sau: + Làm cho câu gọn hơn vừa thông tin được nhanh, vừa tránh lặp những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước. + Ngụ ý hoạt động đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người (lược bỏ CN – Cách dùng câu rút gọn. Khi rút gọn câu cần chú ý: + Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói. + Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã. |
Câu đặc biệt |
– Câu đặc biệt là loại câu không cấu tạo theo mô hình CN-VN.
– Tác dụng: + Xác định thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong câu; + Liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng; + Bộc lộ cảm xúc; + Gọi đáp. |
Câu chủ động |
Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người, vật khác (chỉ chủ thể của hoạt động). |
Câu bị động |
Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của con người, vật khác hướng vào (chỉ đối tượng của hoạt động). |
Thêm trạng ngữ cho câu |
– Về ý nghĩa: Trạng ngữ được thêm vào câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu.
– Về hình thức: + Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hay giữa câu. + Giữa TN với CN và VN thường có một quãng nghỉ khi nói hoặc một dấu phẩy khi viết. – Công dụng của trạng ngữ: + Xác định hoàn cảnh, điều kiện diễn ra sự việc nêu trong câu góp phần làm cho nội dung của câu được đầy đủ, chính xác. + Nối kết các câu, các đoạn với nhau góp phần làm cho đoạn văn, bài văn mạch lạc. -Tách trạng ngữ thành câu riêng: Trong một số trường hợp, để nhấn mạnh ý, chuyển ý hoặc những tình huống, cảm xúc nhất định, người ta có thể tách TN, đặc biệt là TN đứng ở cuối câu, thành những câu riêng. |
Dùng cụm chủ vị để mở rộng câu |
– Khi nói hoặc viết, có thể dùng những cụm từ có hình thức giống câu đơn bình thường, gọi là cụm C-V, làm thành phần của câu hoặc của cụm từ để mở rộng câu.
– Các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ và các phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ đều có thể được cấu tạo bằng cụm C-V. |
Phép liệt kê |
– Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
– Các kiểu kiệt kê: + Xét theo cấu tạo, có thể phân biệt kiểu liệt kê theo từng cặp với kiểu liệt kê không theo từng cặp. + Xét theo ý nghĩa, có thể phân biệt kiểu liệt kê tăng tiến với liệt kê không tăng tiến. |
Phân biệt CÂU ĐẶC BIỆT và CÂU RÚT GỌN
a) Giống nhau: Về hình thức, câu đặc biệt và câu rút gọn đều do một từ hay một cụm từ tạo thành.
b) Khác nhau
– Câu rút gọn
+ Là câu đơn 2 thành phần
+ Dựa vào hoàn cảnh sử dụng có thể xác định từ, cụm từ làm thành phần nào trong câu
+ Có thể khôi phục lại các thành phần bị lược bỏ
+ Nhận diện: Câu rút gọn thường xuất hiện trong văn vần (thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ…)
– Câu đặc biệt:
+ Không được cấu tạo theo mô hình C – V
+ Từ hoặc cụm từ làm trung tâm cú pháp, mang nghĩa độc lập
+ Không thể phục hồi thành câu hoàn chỉnh được.
+ Nhận diện: Câu đặc biệt xuất hiện nhiều trong văn xuôi (Truyện ngắn, tiểu thuyết,…) và thường đứng ở đầu đoạn văn (Tác dụng: xác định thời gian, nơi chốn và bộc lộ cảm xúc)
Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy
– Tỏ Ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết – Thể hiện chỗ lời nói bỏ dỡ hay ngập ngừng, ngắt quãng – Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.
– Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp – Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp |
Dấu gạch ngang
– Đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu – Đặt ở đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc để liệt kê – Nối các từ nằm trong một liên danh
– Dấu gạch nối không phải là một dấu câu. Nó chỉ dùng để nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng. – Dấu gạch nối ngắn hơn dấu gạch ngang. |
III. TẬP LÀM VĂN
1/ Dàn bài chung của một bài văn nghị luận chứng minh
- a) MB: Nêu luận điểm cần được chứng minh
- b) TB: Dùng lí lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm
Thực hiện phần thân bài lần lượt theo các bước sau (Mỗi bước tương ứng với một đoạn triển khai nhỏ trong phần thân bài)
– Bước 1: Giải thích ngắn gọn vấn đề nghị luận (nếu cần).
Thông thường, bước này thường được dùng trong các dạng đề văn chứng minh một câu thành ngữ, tục ngữ (Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Không thầy đố mày làm nên;…) hoặc các vấn đề xã hội có tính cụ thể (học vẹt, lòng hiếu thảo,…)
Lưu ý: giải thích các câu thành ngữ, tục ngữ,… phải đầy đủ hai lớp nghĩa (Nghĩa đen và nghĩa bóng)
– Bước 2: Chứng minh bằng lí lẽ
+ Luận điểm là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người
+ Là một đức tính cần thiết để xây dựng và hoàn thiện tính cách mỗi người…
– Bước 3: Chứng minh bằng dẫn chứng
+ Dẫn chứng trong lịch sử
+ Dẫn chứng trong văn học
+ Dẫn chứng trong đời sống
– Bước 4: Liên hệ với bản thân và lứa tuổi học trò
Lưu ý: Các bước 1 và 2; 3 và 4 có thể gộp lại để tạo thành 2 đoạn văn triển khai ở phần thân bài.
2/ Dàn bài chung cho bài văn lập luận giải thích
Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận
– Trích dẫn cụ thể (câu nói, câu ca dao, tục ngữ,…)
Thân bài
Lần lượt trình bày các nội dung giải thích
a) Giải thích nghĩa của vấn đề nghị luận (Là gì?)
– Nghĩa đen: thường giải nghĩa bằng cách triết tự (tức tách từ)
– Nghĩa bóng
– Nghĩa sâu xa (nếu có)
b) Giải thích cơ sở của vấn đề nghị luận (Tại sao lại như vậy?)
=> Dùng các lí lẽ để thuyết phục người đọc, người nghe
c) Giải thích sự vận dụng của vấn đề nghị luận
(Làm thế nào để thực hiện vấn đề nghị luận)
d) Liên hệ + Mở rộng
– Liên hệ với lứa tuổi học sinh, trong đó có bản thân em
– Mở rộng: Mặt trái của vấn đề đang nghị luận
Kết bài:
Khằng định vấn đề và rút ra bài học