NovaTeen giới thiệu đến các bạn đề cương ôn tập học kỳ II môn Ngữ văn lớp 7. Đây là những phần căn bản nhất mà các Teen cần nắm chắc để thi cuối kì cũng như là nâng cao kiến thức về môn Văn học.
Đề cương ôn tập học kỳ II môn Ngữ văn lớp 7
PHẦN VĂN BẢN
A/ Văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)
Bài tập 1: Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau :
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung … Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.”
(Ngữ văn 7 – Tập 2)
Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi từ 1- 4:
Câu 1. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào?
- Ý nghĩa văn chương C. Sự giàu đẹp của Tiếng Việt
- Tinh thần yêu nước của nhân dân ta D. Đức tính giản dị của Bác Hồ.
Câu 2. Tác giả của đoạn văn trên là ai?
- Phạm Văn Đồng B. Hoài Thanh C. Hồ Chí Minh D. Minh Hương
Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì
- Miêu tả B. Tự sự C. Nghị luận D. Biểu cảm kết hợp với tự sự
Câu 4. Văn bản chứa đoạn trích trên được viết vào thời gian nào?
- Tháng 1 năm 1951
- Tháng 2 năm 1951
- Tháng 3 năm 1951
- Tháng 4 năm 1951
Câu 5:(0,5đ) Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.
Câu 6:(1,0đ) Xác định trạng ngữ trong câu văn:
“Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” Nêu công dụng của trạng ngữ đó trong câu.
Câu 7:(1,5đ) Viết một đoạn văn ngắn ( từ 4 đến 6 câu) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề gợi ra từ đoạn trích trên.
Bài tập 2: Đọc kĩ đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.”
(Ngữ văn 7 – Tập 2)
- a) Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Và được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
- b) Xác định các câu rút gọn có trong đoạn trích và cho biết các câu rút gọn thành phần nào?
- c) Xác định phép liệt kê được sử dụng trong đoạn trích?
- d) Tìm cụm chủ – vị làm thành phần câu hoặc thành phần cụm từ và phân tích cụ thể cụm chủ – vị làm thành phần gì trong câu sau?
“Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày.”
GỢI Ý GIẢI
A – Bài tập 1: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
- B 2. C 3.C 4.B
- HS nêu được nội dung của đoạn trích:
Khẳng định tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Đó là một sức mạnh to lớn trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
– Trạng ngữ trong câu văn “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” là cụm từ:
“Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng”
– Công dụng của trạng ngữ trong câu: Bổ sung thêm những thông tin về điều kiện thời gian, hoàn cảnh diễn ra sự việc nêu trong câu và nối kết các câu văn trong đoạn văn.
* Yêu cầu kĩ năng:
– Đúng hình thức đoạn văn , đảm bảo số câu theo quy định.
– Diễn đạt rõ ràng, đúng văn phạm, không mắc lỗi chính tả.
* Yêu cầu kiến thức:
HS trình bày được suy nghĩ của bản thân về các vấn đề gợi ra từ đoạn trích:
– Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Đó là một sức mạnh to lớn được phát huy cao độ trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
– Tình cảm của bản thân: tự hào về những trang lịch sử vẻ vang, cảm phục những tấm gương về các vị anh hùng dân tộc…
– Phát huy truyền thống yêu nước, học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, góp sức mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
A – Bài Tập 2
Câu 1
- a) – Xác định được đúng văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
– Nêu đúng tác giả: Hồ Chí Minh
– Xác định đúng phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
- b) – Xác định đúng ba câu rút gọn:
+ Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy.
+ Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.
+ Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
– Xác định đúng thành phần được rút gọn trong 3 câu là: Chủ ngữ
- c) Xác định đúng phép liệt kê có trong đoạn trích: trong tủ kính, trong bình pha lê;trong rương, trong hòm; giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo; công việc yêu nước, công việc kháng chiến,…(0,5 điểm)
- d) ( 0,75 điểm)
– Xác định được cụm chủ – vị dùng để mở rộng câu: những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày (0,25 điểm)
– Phân tích: (0,5 điểm)
Bổn phận của chúng ta // là làm cho những của quý kín đáo ấy / đều được đưa ra trưng bày. (0,25 điểm) ĐT C V
=> Cụm chủ – vị làm phụ ngữ trong cụm động từ.(0,25 điểm)

B/ Văn bản: Ý nghĩa văn chương (Hoài Thanh)
Bài tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì là quá đáng.
- Đoạn trích trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
- Nêu nội dung chính của văn bản vừa tìm được.
– PHẨN TIẾNG VIỆT –
A/ CÂU RÚT GỌN – CÂU ĐẶC BIỆT
Bài tập1: Thế nào là câu đặc biệt?
- Xác định câu đặc biệt trong đoạn trích sau và nêu tác dụng của câu đặc biệt vừa tìm.
” Sóng ầm ầm đập vào những tảng đá lớn ven bờ. Gió biển thổi lồng lộng. Ngoài kia là ánh đèn sáng rọi của một con tàu. Một hồi còi.”
Bài tập 2: Chỉ ra câu đặc biệt và câu rút gọn trong những trường hợp sau:
a) Mùa thu. Gió thổi cái mùi tinh tươm của cây cối còn sót lại từ ngoài xa tới cái thị xã nhỏ này.
( Lê Minh Khuê )
b) Cốm thường có vào mùa nào?
– Mùa thu.
2. Từ đó, hãy chỉ ra sự khác nhau giữa câu đặc biệt và câu rút gọn.
Bài tập 3:
Câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây được rút gọn thành phần nào? Mục đích của việc rút gọn câu trên là gì?
Bài tập 4:
- Trình bày tác dụng của câu đặc biệt?
- Xác định câu đặc biệt trong trường hợp sau:
Chim sâu hỏi chiếc lá:
– Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
– Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
GỢI Ý GIẢI
A – Bài tập 3:
– Câu tục ngữ được rút gọn thành phần chủ ngữ
– Mục đích: Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người.
A- Bài tập 4:
a/ Câu đặc biệt thường dùng để:
– Nêu thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong
đoạn
– Liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng
– Bộc lộ cảm xúc
– Gọi đáp
b/ Xác định đúng câu đặc biệt là: Lá ơi!
B/ CÂU CHỦ ĐỘNG – CÂU BỊ ĐỘNG
Câu I. (2,0 điểm)
- Thế nào là câu chủ động và câu bị động?
- Chuyển đổi những câu chủ động sau thành câu bị động:
- a) Chàng kị sĩ buộc con ngựa bạch bên gốc đào.
………………………………………………………………………………
b) Đứa bé sút quả bóng vào khung thành.
………………………………………………………………………………
c) Người lái đò đẩy chiếc thuyền ra xa
………………………………………………………………………………
d) Thầy giáo phê bình em
………………………………………………………………………………
e) Người ta đã phá ngôi nhà ấy đi
………………………………………………………………………………
f) Trào lưu đô thị hóa đã thu hẹp sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn
………………………………………………………………………………
– TẬP LÀM VĂN –
Đề bài: Chứng minh nhân dân ta sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” (hoặc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây)
Mở Bài: Có nhiều cách để mở bài
+ Cách 1: Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói của người xưa khuyên nhủ chúng ta trong cuộc sống cần phải có lòng biết ơn, sống ân nghĩa thủy chung. Tiêu biểu là câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”
+ Cách 2: Nhân dân ta có rất nhiều truyền thống đạo lý tốt đẹp trong đó không thể không kể đến lòng biết ơn được truyền nối qua hàng ngàn thế hệ. Vì vậy, tục ngữ ông cha ta để lại có câu: “Uống nước nhớ nguồn”
+ Cách 3: “Uống nước nhớ nguồn” là một trong những câu tục ngữ mà tôi rất yêu thích bởi nó luôn nhắc nhở tôi trong cuộc sống cần phải có lòng biết ơn, sống ân nghĩa, thủy chung.
+ Cách 4: Sau khi học xong bài thơ “Anh trăng” của Nguyễn Duy, có lẽ không ai là không trăn trở về bài học “Uống nước nhớ nguồn”. Trong cuộc sống luôn luôn phải có lòng biết ơn, sống ân nghĩa, thủy chung.
+ Cách 5: Truyện Trung Đại kể rằng: Bác tiều phu nọ vì cứu con hổ trán trắng thoát chết nên con hổ đó đã trả ơn bác suốt đời. Đến tận khi bác mất nó vẫn còn nhớ ngày cúng giỗ bác. Thật là “sống tết, chết giỗ”, ơn nghĩa vô cùng sâu nặng. Vậy đấy! Lòng biết ơn là một tình cảm đẹp, quý giá, đáng trân trọng. Chính vì vậy từ thuở xa xưa ông cha ta đã đề cao đạo lý này và răn dạy con cháu bằng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”
Thân bài
Bước 1: Giải thích, làm rõ vấn đề nghị luận
–“Uống nước nhớ nguồn” có nghĩa là khi chúng ta uống nước phải nhớ đến “nguồn” – nơi sinh ra dòng nước cho chúng ta hưởng thụ. Hiểu rộng ra, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu trong cuộc sống phải có lòng biết ơn, hướng về nguồn cội.
Bước 2: Chứng minh bằng lý lẽ
Lòng biết ơn thực sự là một truyền thống quý báu của dân tộc ta mà mỗi người trong chúng ta cần kế thừa và phát huy. Hơn nữa, phần lớn những gì chúng ta đang được hưởng thụ là nhờ mọi người phải bỏ công sức, đổ mồ hôi xương máu để tạo ra những thành quả đó. Khi ta biết ơn họ thì đó chính là động lực tinh thần để họ lao động, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Bước 3: Chứng minh bằng dẫn chứng
– Trong văn học
+ Như chúng ta đã biết, không ai và không có gì có thể tự nhiên sinh ra, tất cả đều có nguồn cội của nó.Vì vậy,Trong văn học xưa ông cha ta từng có câu:
“Chim có tổ, người có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
+ Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền nhiều câu tục ngữ, ca dao khác nói về lòng biết ơn như:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Khăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
Hay
“Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”
– Trong lịch sử và thực tế đời sống
+ Chúng ta biết ơn ông bà, cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Vì vậy, trong gia đình mỗi người Việt Nam truyền thống, đặc biệt những gia đình theo đạo Phật đều có bàn thờ trong nhà để thờ cúng ông bà, tổ tiên, thổ địa,… thắp nhang và làm lễ mỗi dịp lễ Tết.
+ Biết ơn thầy cô giáo đã cho chúng ta kiến thức, chúng ta có ngày lễ 20/11 để Tri ân các thầy cô giáo, gửi tới các thầy cô lời cảm ơn và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
+ Biết ơn những người lao động đã làm ra thức ăn, vật dụng,..cho chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có ngày Quốc tế lao động 1/5.
+ Và, đặc biệt, chúng ta không thể quên công ơn của những người anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc được bình yên như ngày hôm nay và ghi nhận điều đó với ngày 27/7 hằng năm
+ Cuối cùng, không thể không kể đến là ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3; và các lễ hội để nhớ về tổ tiên, cha ông – những người dựng nước, giữ nước: Lễ hội đền Hùng, Bà Chúa Kho,…
Bước 4: Liên hệ, mở rộng:
+ Biết ơn là một đạo quý báu của dân tộc ta, tuy nhiên trong thực tế cuộc sống ta vẫn thấy những kẻ vong ân bội nghĩa, phung phí tiền của cha mẹ, ăn cháo đá bát rất đáng phê phán.
+ Là học sinh, được học tập có kiến thức và có hiểu biết, chúng ta cần phải ý thức sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để luôn sống bằng lòng biết ơn, tình nghĩa, thủy chung; sử dụng thành quả một cách tiết kiệm, không lãng phí; giúp đỡ ông bà cha mẹ trong các công việc nhà, tôn trọng thầy cô giáo,…
Kết bài:
“Uống nước nhớ nguồn” thực sự là một truyền thống quý báu của dân tộc ta mà mỗi chúng ta cần phải kế thừa, phát huy, làm tốt đời đẹp đạo.
Công ty CP Công Nghệ Giáo Dục NOVA Tầng 2, Tòa A, số 22 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội Hotline: 0989 423 335 Email: novaedu.vn@gmail.com |