Hịch tướng sĩ đâu chỉ là một bài ca đặc sắc về mặt nội dung, mà nó còn là một áng văn thiên cổ xuất sắc về mặt nghệ thuật.
Hịch tướng sĩ xứng đáng là một áng thiên cổ hùng văn vì:
Hịch tướng sĩ là một áng văn chính luận tiêu biểu với tính chất hùng biện đặc sắc
Bố cục của bài hịch bao gồm 3 phần, đi từ việc nêu gương các trung thần nghĩa sĩ xả thân vì nước, được lưu danh thiên cổ, đến việc phân tích chí lí về tình hình địch – ta, cảnh báo nguy cơ mất nước ô nhục, từ đó kêu gọi tướng sĩ học tập binh pháp, rèn luyện võ nghệ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Đây là một bố cục rất chặt chẽ, mạch lạc và hợp lí góp phần tạo nên sức thuyết phục mạnh mẽ cho bài hịch.

Hịch tướng sĩ có cách lập luận khúc triết, rõ ràng
Đoạn đầu, lấy xưa để nói nay, mượn sử cũ để nêu gương khích tướng. Tiếp theo tác giả dùng phép lập luận so sánh đối chiếu và lập luận nhân quả khi phân tích về hai con đường mở ra trước mắt các tướng sĩ. Nếu ươn hèn, yếu kém mà thua trận sẽ phải nhục nhã khổ sở. Nếu chiến thắng oanh liệt sẽ được hạnh phúc sung sướng. Khi so sánh hai con đường ấy, tất yếu ai cũng phải nhận ra con đường duy nhất có thể đi là con đường quyết chiến chống quân xâm lược.
Hịch tướng sĩ có một hệ thống lí lẽ chặt chẽ, kết hợp với những dẫn chứng cụ thể, chân thực, điển hình
Nhưng tất cả những lý lẽ và dẫn chứng ấy chủ yếu nhằm vào mục đích đánh vào lòng người. Lời hịch đã trở thành chỉ thị của trái tim, mệnh lệnh của lương tâm danh dự đối với họ.
Hịch tướng sĩ cũng là một áng văn chính luận mang đậm tính biểu cảm và sắc thái trữ tình.
Bài hịch mở đầu bằng giọng chuyện trò để đối thoại với các tướng sĩ. Sau đó tác giả thẳng thắn bộc lộ trực tiếp những cảm xúc suy nghĩ đang nung nấu tâm can. Trong bài hịch, nhiều lần tác giả lặp lại những câu hỏi nêu vấn đề để nhấn mạnh hơn vào ý nghĩa, kêu gọi khích lệ động viên quân sĩ.
Hịch tướng sĩ còn gây ấn tượng mạnh ở một hệ thống ngôn ngữ phong phú, sinh động, các hình ảnh giàu sức gợi.
Nói về tướng giặc chỉ cần mấy chữ uốn lưỡi cú diều, đem thân dê chó đã lột tả được bản chất xấu xa độc ác của chúng. Tác giả cũng vận dụng khá nhiều những điển tích điển cố trong bài hịch nhưng rất hài hòa, tự nhiên và gần gũi với nhận thức của ba quân.