Nghị luận văn học luôn là dạng bài chiếm điểm số cao nhất trong mọi bài thi môn Văn. Hiểu theo nghĩa khái quát và chung nhất, đây là dạng bài văn phân tích về một vấn đề văn học. Cấu trúc đầy đủ của một bài văn bao gồm ba phần: Phần mở bài, Phần thân bài, Phần kết bài.
Phần mở bài văn nghị luận
Mở bài là phần khởi đầu tạo điểm tựa và ảnh hưởng đến mạch cảm xúc của bài văn, bởi “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Phần mở bài cần cung cấp thông tin đầy đủ về tác giả, tác phẩm và khái quát về vấn đề nghị luận. Ở phần này, học sinh không nên lan man, dài dòng:
Xem thêm>>> Làm thế nào để học tốt môn Ngữ Văn
Phần mở bài cần đáp ứng những thông tin cơ bản sau:
– Thông tin cơ bản nhất về tác giả: Lượng thông tin đưa vào phải căn cứ vào yêu cầu của đề bài.
Ví dụ: Nếu trọng tâm của bài là nghị luận về một tác phẩm, một đoạn, một vấn đề,… của tác phẩm thì chỉ nói qua về tác giả, xoáy quá sâu sẽ dẫn đến lan man.
– Thông tin giới thiệu về tác phẩm: Tên tác phẩm là yếu tố học sinh không được phép và nhầm lẫn. Sau đó trình bày những đặc điểm nổi bật của tác phẩm. Có thể nêu hoàn cảnh sáng tác vào mở bài nếu hoàn cảnh sáng tác đó đơn giản.
– Đưa ra đối tượng và vấn đề phân tích là điểm quan trọng nhất cần có của mở bài.
Phần thân bài văn nghị luận
Tiền đề phân tích
Trong phần này, các em nên đề cập đến hoàn cảnh sáng tác. Nếu như hoàn cảnh sáng tác có liên quan đến việc chi phối nội dung, tư tưởng tác phẩm. Ví dụ như bài thơ: Khi con tu hú, Mùa xuân nho nhỏ,….
– Nếu phân tích về một đoạn trích thì các em nên giới thiệu vị trí của nó trong toàn bộ tác phẩm.
– Giải thích các khái niệm, hoặc vấn đề nghị luận xuất hiện trong đề bài.
Phân tích
Bắt tay vào phần này, các em sẽ tiến hành mổ xẻ thật sự vấn đề nghị luận (Đoạn thơ, đoạn văn hoặc nhân vật, tác phẩm,…). Để đảm bảo các ý được diễn đạt một cách logic, trọn vẹn, các em cần xác định phân tách những ý chính của đối tượng bàn luận.
– Sau khi phân tách đối tượng, dựa vào những kiến thức, kết hợp với cảm xúc cá nhân để trình bày và diễn đạt các ý chính.
– Trong quá trình phân tích, các em có thể liên hệ, so sánh với những tác phẩm cùng loại. Làm nổi bật sự khác biệt, độc đáo của vấn đề đang phân tích. Thao tác này sẽ khiến cho bài văn trở nên sâu sắc hơn và giúp các em học sinh ghi điểm trong bài làm.
Lưu ý: Ở phần này, các em nên cố gắng lập ý cho rõ ràng, mạch lạc để tránh những sai sót không đáng có do việc sắp xếp ý lộn xộn và thiếu ý.

Phần kết luận
Ở phần này, các em cần rút ra kết luận và khái quát toàn bộ những vấn đề đã phân tích được ở trên. Ở thao tác này các em nên thể hiện cách nhìn và đánh giá tổng hợp. Tránh việc đưa ra những phân tích, bình luận cụ thể như ở phần thân bài. Người viết cũng có thể tạo âm vang và ghi điểm cho bài văn bằng việc mở rộng vấn đề.
Dù thời gian làm bài gấp gáp thì các em cũng không được bỏ qua phần kết luận, để đảm bảo sự đầy đủ về mặt cấu trúc bài làm.