“Lão Hạc” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao. Và tác phẩm này cũng là kiến thức trọng tâm trong Ngữ văn 8, thường xuất hiện trong các bài kiểm tra. Hãy tham khảo đề văn dưới đây.
Đề bài: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương” (Nam Cao – Lão Hạc). Hãy chứng minh nhận xét này qua các nhân vật trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài tập này sẽ giúp các con rèn luyện cách phân tích, chứng minh quan điểm về con người của Nam Cao thông qua truyện ngắn “Lão Hạc”. Đây là bài tập ở mức vận dụng cao, các con hãy suy nghĩ thật kĩ và làm nhé!
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc
Nam Cao được xem là đại diện xuất sắc nhất của văn học hiện thực 1930-1945. Bên cạnh nội dung của chủ nghĩa hiện thực, trong các sáng tác của Nam Cao, người đọc còn thấy được những quan điểm, tư tưởng về con người và nghệ thuật của ông được thể hiện một cách logic, đúng đắn và đầy tiến bộ, tiêu biểu là những quan điểm trong truyện ngắn “Lão Hạc”.
– Trích dẫn câu nói của ông giáo: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta…”
– Khái quát nội dung câu nói
+ Quan điểm về cách nhìn nhận con người:
Khi đánh giá con người chúng ta cần phải nhìn bằng sự cảm thông, khách quan nhất có thể.
Thân bài
Luận điểm 1: Ý nghĩa câu nói
– Hoàn cảnh của câu nói
Khi vợ ông nói điều không tốt về lão Hạc, ông giáo đã có những suy nghĩ, trăn trở đó.
– Ý nghĩa của câu nói
Để có thể nhìn nhận, đánh giá một người thì ta cần phải hiểu thật kĩ về họ và nhìn bằng con mắt của sự cảm thông, trân trọng
=> Cách nhìn nhận và đánh giá con người.
– Nhận xét này được chứng minh qua cái nhìn của các nhân vật về lão Hạc.
Luận điểm 2: Chứng minh
-
Cái nhìn của ông giáo về lão Hạc
– Nhiều lúc ông giáo có cái nhìn sai về lão Hạc:
+ Khi lão Hạc băn khoăn chuyện bán chó:
- Ông giáo nghĩ “Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!”
- Ông còn cho rằng “lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi”.
+ Khi lão Hạc gửi ông vườn và tiền làm ma
- Lão Hạc thật gàn dở, lo xa: “tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại”.
+ Khi nghe Binh Tư nói xấu về lão
- Ông giáo cũng tin và cho rằng “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?”
- Vội kết luận “Cuộc đời quả thật cứ ngày một thêm đáng buồn”.
=> Ông giáo đã có những suy nghĩ, kết luận sai khi đánh giá lão Hạc khi chưa tìm hiểu kĩ mọi chuyện.
– Sau khi tìm hiểu kĩ, ông giáo đã hiểu ra toàn bộ lý do đằng sau những hành động khó hiểu của lão Hạc:
+ Lão đau lòng khi bán chó. Bởi đó là kỉ vật cuối cùng của con trai lão, là người bạn thân nhất trong cuộc đời của lão.
+ Lão gửi vườn và tiền làm ma là biểu hiện cao cả của sự hi sinh và lòng tự trọng.
+ Lão xin bả chó không phải để làm chuyện độc ác mà để kết thúc chính cuộc đời mình. Hành động này cũng là sự tự trừng phạt của lão khi trót lừa cậu Vàng.
-
Cách nhìn nhận của vợ ông giáo về lão Hạc
– Khi thấy lão gửi tiền gửi ruộng, thị cũng nhìn lão như một gã gàn dở, ngu ngốc, thậm chí mắng nhiếc lão “Cho lão chết”. Thị không hề hiểu gì về lão, lại thêm cái đói, cái khổ khiến thị trở nên ích kỉ, không thể có một chút thông cảm, xót thương nào cho tình cảnh của lão.
-
Cách nhìn nhận của Binh Tư về lão Hạc
– Vốn là một người hiền lành, nhưng khi lão xin bả chó của Binh Tư, ngay lập tức gã đã bĩu môi khinh khỉnh và cho rằng lão “chả vừa đâu”. Binh Tư từ chính bản chất xấu xa của mình để đánh giá lão Hạc. Hắn nghĩ ai cùng đường cũng sẽ phải làm điều xấu như hắn.
=> Suy nghĩ của ông giáo là sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người của chính tác giả. Từ cách nhìn nhận, đánh giá một con người, cho đến lòng cảm thông, thương xót và thấu hiếu người nông dân, tất cả đã làm nên cảm hứng nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp văn học của Nam Cao.
Luận điểm 3: Bài luận về quan điểm của ông giáo
– Quan điểm đúng đắn:
+ Có rất nhiều yếu tố chi phối cách nhìn nhận và đánh giá con người, ví dụ: hoàn cảnh cá nhân, suy nghĩ cá nhân, tác động bên ngoài: lời đồn, đánh giá của xã hội,…
+ Khi nhìn nhận và đánh giá ai đó, chúng ta cần tìm hiểu kĩ, đánh giá một cách khách quan, tránh những suy nghĩ ích kỉ, chủ quan, kết luận vội vàng để rồi hiểu sai về người khác.
Kết bài
– Khẳng định lại ý nghĩa của lời nhận xét:
+ Câu nói của ông giáo chính là quan điểm của tác giả về cách nhìn nhận con người trong xã hội.
– Liên hệ đến các biểu hiện khác trong cảm hứng nhân đạo, nhân văn của Nam Cao.
Để tiếp cận phương pháp, nội dung bài học hấp dẫn đối với môn Ngữ Văn, học sinh có thể ĐĂNG KÍ HỌC THỬ tại Novateen.