Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 – Sở GD&ĐT Bình Phước

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được thuận lợi, NovaTeen giới thiệu đến các em Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Phước năm học 2017-2018. Hi vọng rằng thông qua đề thi này, các em tự mình luyện tập và đối chiếu với hướng dẫn đáp án. Từ đó bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt của mình trước khi bước vào kỳ thi vào 10.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 – Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Phước năm học 2017-2018

Câu 1: (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nìn sao mà xa xăm!”

(Ngữ văn 9, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam)

a, Đoạn văn trên trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

b, Trong đoạn văn trên nhân vật xưng “tôi” là ai? Là người có ngoại hình và tâm hồn như thế nào?

Câu 2: (1,0 điểm)

Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà này vẫn được bình yên!”

(Bếp lửa, Bằng Việt)

Lời người bà nói với cháu trong khổ thơ trên không tuân thủ phương châm hội thoại nào? Vì sao người bà không tuân thủ phương châm hội thoại trong trường hợp này?

Câu 3: (2,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về đức tính trung thực.

Câu 4: (6,0 điểm)

Cảm nhận của em về ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ Thanh Hải trong hai khổ thơ sau:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Vững vàng lên phía trước

Ta làm con chim hót

Ta là một nhành hoa

Một nốt trầm sao xuyến.

           (Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Nương lúa mùa xuân
Nương lúa mùa xuân

 

Xem thêm>>> Đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018

Gợi ý giải Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 – Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Phước

Câu 1:

a, Đoạn văn đã cho trích trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.

b, Trong đoạn văn, nhân vật xưng “tôi” là Phương Định. Đó là một cô gái có ngoại hình khá, dịu dàng, đầy nữ tính. Tâm hồn trong sáng, giàu tình cảm, luôn trách nhiệm, dũng cảm và hết mình với công việc.

Câu 2:

– Lời của bà vi phạm phương châm hội thoại về chất, bà đã nói dối, mặc dù nhà vừa bị bom đạn chến tranh tàn phá “cháy tàn cháy rụi”. Nhưng bà vẫn dặn cháu, viết thư cho bố thì bào “nhà vẫn được bình yên”. Bà nói như vậy vì không muốn các con nơi phương xa phải bận tâm, lo lắng. Bà muốn các con yên tâm với các nhiệm vụ nơi tiền tuyến.

Câu 3:

Bài làm cần đạt được những ý chính sau:

1. Mở bài

– Nêu vấn đề cần nghị luận: Tính trung thực.

2. Thân bài

Giải thích

– Trung thực là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật; không tham lam lấy của người khác làm của mình. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm có chất lượng, đúng giá, không làm giả, làm hại đén người tiêu dùng,…

– Trong học hành, thi cử: Không quay cóp, chép bài của bạn; không mở tài liệu khi làm bài thi, bài kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả,…

Vì sao chúng ta cần có tính trung thực?

– Đó là một phẩm chất tốt đẹp, khiến mọi người yêu mến, tôn trọng.

– Học thật, thi thật giúp ta có kiến thức thật, không ảo tưởng về bản thân; từ đó có nền tảng tốt về bản thân trong cuộc sống.

– Trung thực trong kinh doanh, dịch vụ sẽ tạo dựng được uy tín và có được niềm tin của khách hàng, mang lại hiệu quả cao.

– Trung thực sẽ làm nên một xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển.

– Dám trung thực với cái sai, cái yếu kém của mình, sẽ tiến bộ hoàn thiện bản thân hơn.

 Nếu chúng ta đều gian lận…

– Mọi giá trị trong xã hội đều bị đảo lộn, gây mất niềm tin, hoang mang trong xã hội.

– Làm giả, làm láo khiến chất lượng con người giảm sút, gây ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ: Thực phẩm bẩn gây ung thư, báo cáo sai làm thất thoát tiền bạc của nhà nước,…

– Không trung thực sẽ không có niềm tin và sự tôn trọng của mọi người.

– Thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.

Bàn luận

– Cần nêu cao ý nghĩa của tính trung thực, phê phán những hành vi gian lận, giả dối.

– Pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gian lận. Nhất là những trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng với nền kinh tế, hay bộ mặt, danh dự của đất nước.

– Biểu dương những tấm gương trung thực và chống tiêu cực.

3. Kết bài

– Khẳng định: Trung thực là một đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Nhất là khi chúng ta hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu.

– Liên hệ bản thân.

Câu 4: (6,0 điểm)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả: Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam ngay từ buổi đầu.

– Giới thiệu tác phẩm: “Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào tháng 11 năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu đất nước thiết tha và những ước nguyện của nhà thơ.

– Giới thiệu đoạn trích: Đoạn thơ đã cho giới thiệu thành công không khí của một mùa xuân mới trên đất nước ta trong những ngày đầu hòa bình lập lại và khát vọng cống hiến rất chân thành, mãnh liệt của nhà thơ.

2. Thân bài

Ba  khổ thơ đã cho nằm ở giữa bài thơ, sau những cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời xứ Huế. Nếu sáu câu đầu của bài là mùa xuân của đất trời thì ở đoạn sau là mùa xuân của đất nước, của dân tộc, của lòng người, trong sức trẻ.

Hoa đào xuất hiện báo hiệu mùa xuân đến
Hoa đào xuất hiện báo hiệu mùa xuân đến

– Hai câu tiếp là hình ảnh những người nông dân cần cù, chăm chỉ ươm mầm cho sự sống trên những cánh đồng quê hương. Hai câu thơ gợi ra cái màu xanh non mơn mởn trải dài mênh mông trên mọi miền quê nước Việt.

-> Qua đó, tác giả đã khái quát được hai nhiệm vụ chính của nước ta thời kì mới: vừa “vững tay cày” – tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, vừa “chắc tay súng” – bảo vệ nền độc lập mới dành được.  Đồng thời, tiếng thơ cũng bộc lộ tình yêu mến, tự hào về những con người đã góp phần quan trọng làm nên cái diện mạo đất nước: Người lao động và người chiến sĩ.

– “Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao”: Điệp từ “tất cả” cùng các từ láy tượng hình, tượng thanh đã tái hiện không khí hối hả, vội vã, khẩn trương, không ngừng nghỉ trên khắp đất nước. Cái náo nức, hồ hởi, sự hăm hở như căng tràn trong mỗi con người.

Cảm nhận của nhà thơ về đất nước

– Đất nước được nhân hóa như một bà mẹ “vất vả gian lao ” – câu thơ như chứa đựng trong nó cả ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước đầy gian khổ, nhọc nhằn, đau thương của dân tộc ta.

– Nhà thơ bộc lộ niềm tin tưởng, tự hào về tương lai tươi sáng, trường tồn, bất diệt của đất nước qua hình ảnh so sánh “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”. Chữ “cứ” thật hay, thể hiện được những bước đi vững chai, hiên ngay, kiên cường của dân tộc.

– Hình ảnh “đất nước” điệp lại hai lần cũng thể hiện niềm xúc động, tự hào và tình yêu nước của nhà thơ.

Ước nguyện của nhà thơ

– Những ước nguyện chân thành, tha thiết được thể hiện qua điệp từ “ta làm”, cụm từ “ta nhập” và phép liệt kê: làm con chim nhỏ bé để cất tiếng hót vui; làm một cành hoa nhỏ xinh giữa vườn hoa xuân rực rỡ, vô tư dâng hương sắc cho đời, làm “một nốt trầm” dâng góp vào bản hòa ca của đất nước, của cuộc đời chung. Những hình ảnh đó thật tự nhiên, giản dị mà đẹp đẽ.

– Đó là những ước muốn khiêm nhường nhưng chứa đựng một lẽ sống lớn: sống có ích và cống hiến cho đời một cách tự nhiên.

– Điệp từ “ta” (thay cho từ “tôi” như ở đầu bài thơ) đã mang đến một thông điệp ý nghĩa cho tất cả mọi người: Mỗi chúng ta hãy cùng nhau làm một con chim hót, một nhành hoa, một nốt trầm nhỏ bé để cất lên bản tình ca chung – cuộc đời.

Nghệ thuật

– Thể thơ năm chữ gắn với những làn điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần chân tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

– Hình ảnh tự nhiên, giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tưởng (“cành hoa”, “con chim”, “nốt trầm”).

– Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: từ mùa xuân đất trời -> đất nước -> con người.

3. Kết bài

– Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã cho thấy vẻ đẹp của hồn thơ Thanh Hải tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.

Xem thêm>>> Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn Tỉnh Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *