Kì thi tuyển sinh 9 lên 10 đang đến cận kề. Bên cạnh những bạn thi vào các trường công lập, có rất nhiều bạn học sinh đang ấp ủ đi theo con đường văn học bằng việc đặt mục tiêu thi vào trường chuyên. Hôm nay, Novateen sẽ giới thiệu đến các bạn Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NĂM 2016
Môn thi: Ngữ văn (chung)
(Đề thi dùng cho mọi thí snh vào trường chuyên)
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1 (2,0 điểm)
Tìm và phân tích giá trị biện pháp tu từ trong những đoạn trích dưới đây:
a. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió giống như nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung….
(Nguyễn Thành Long- Lặng lẽ Sa Pa)
b.
Nắng vào quả cam, nắng ngọt
Trong suốt mùa đông vườn em
Nắng lặn vào trong mùi thơm
Cả trăm ngàn bông hoa cúc
(Xuân Quỳnh – Mùa đông nắng ở đâu)
Câu 2 (2,0 điểm)
Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo, quên mất đời thực. Em hãy viết đoạn văn diễn dịch khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau đây: “Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)
Câu 3 (6 điểm)
Phân tích bài thơ sau của nhà thơ Hữu Thỉnh:
SANG THU
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Thu 1977
(SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2015, tr.70)
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
Nội dung cần đạt
Câu 1.
Ý a.
– Biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp so sánh và nhân hóa.
+ So sánh thể hiện qua Cái lặng im…. như bị gió chặt ra từng khúc; gió giống như nhát chổi… tất cả.
+ Nhân hóa thể hiện qua: gió chặt cái im lặng ra từng khúc và muốn ném lung tung mọi thứ.
– Tác dụng: Miêu tả thiên nhiên rất khắc nghiệt, dữ tợn
Ý b.
– Biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp nhân hóa: nắng vào, nắng lặng và ẩn dụ (chuyển đổi cảm giác) nắng ngọt.
– Tác dụng:
+ Miêu tả bức tranh thiên nhiên ngày đông ngập tràn ánh nắng, hương thơm và màu sắc.
+ Thể hiện cái nhìn tinh tế của tác giả.
Câu 2.
Xác định đúng dạng đề: Nghị luận về một hiện tượng, đời sống xã hội.
Các ý chính cần đạt:
– Giải thích Nghiện Facebook là gì và nêu biểu hiện cụ thể
Nghiện Facebook là tình trạng phổ biến trong xã hội hiện nay. Điều này thể hiện qua việc con người say sưa với những ảo tưởng nắm bắt được những cảm xúc của những người quen, người lạ ở nơi xa xôi nào đó. Trong khi lại vô tình với những người xung quanh gần gũi mình.
– Nêu lên thực trạng của việc sử dụng Facebook:
Người ta định đoạt giá trị của nhau chỉ qua những nút like, lượt share hay những bình luận trên facebook.

– Trình bày tác hại, hậu quả của việc lạm dụng Facebook:
+ Gây nên sự ảo tưởng về bản thân, hoặc có thể gây trầm cảm trước những ý kiến tiêu cực từ cộng đồng mạng.
+ Facebook làm mất nhiều thời gian, giảm hiệu quả học tập, làm việc.
+ Ham mê thế giới ảo làm chúng ta lãng quên những giá trị thực. Quên đi những người thân đang ở cạnh mình. Khiến cho mối quan hệ giữa người và người ngày càng trở nên xa cách.
+ Lâu dần, con người sẽ trở nên vô cảm, vô tâm và vô tình.
Về hình thức:
Đoạn văn khoảng 10 câu, chủ đề ở đầu đoạn, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc.
Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Hữu Thỉnh thuộc thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mĩ với đề tài quen thuộc về chiến tranh, người lính và cuộc sống nông thôn.
– Sang thu là tác phẩm tiêu biểu và nổi bật của Hữu Thỉnh. Bài thơ thể hiện rõ cảm nhận tinh tế của tác giả khi đất trời sang thu Đây cũng là thời điểm đất nước vừa bước từ cuộc sống chiến tranh sang cuộc sống thời bình.

Thân bài
Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật
Khổ 1:
Những cảm nhận ban đầu của nhà thơ và những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu.
– Sự chuyển biến của đất trời được cảm nhận qua những hình ảnh:
+ “Hương ổi”: chín thơm và ngọt ngào, gợi không gian thân thuộc và mộc mạc của những khu vườn, lối ngõ sum suê cây trái.
+ Từ “Phả”: động từ giàu sức gợi cảm, diễn tả hương ổi tỏa ra từng luồng theo cơn gió, cơn gió đưa hương ổi sánh lại ướp ngọt không gian.
+ “Sương chùng chình”: Hạt sương li ti nhỏ bé như có tâm hồn: nhẹ nhàng, thong thả vướng vít như cố ý chậm lại khi bước qua ngưỡng cửa mùa thu.
– Cảm xúc của nhà thơ:
+ Kết hợp các từ “Bỗng”, “Hình như” diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bất ngờ khi thu về, bởi thu đến trong nhẹ nhàng, khẽ khàng và mơ hồ quá.
+ Với sự cảm giận tinh tế, tâm hồn thi nhân đã nắm bắt sự chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời phút giao mùa.
Khổ 2:
Cảm nhận tinh tế của tác giả về sự chuyển biến của đất trời khi sang thu:
– Thiên nhiên sang thu được miêu tả qua những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh đẹp:
+ Dòng sông “dềnh dàng” trôi một cách lững lờ, hiền hòa, gợi lên vẻ đẹp êm dịu của mùa thu.
+ Đối lập với sự “dềnh dàng” của dòng sông là sự “vội vã” của đàn chim khi bắt đầu hành trình bay về phương Nam tránh rét.
+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng hết sức độc đáo:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Biện pháp nhân hóa khiến đám mây hiện lên như một dải lụa mềm mại vắt ngang ranh giới từ cuối hạ sang đầu thu như còn lưu luyến. Vẻ đẹp của thời khắc giao mùa đã được làm nổi bật qua mộ tâm hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say sưa cảm nhận thời khắc giao mùa này.
Khổ cuối:
Những chuyển biến của thời tiết lúc sang thu và những suy ngẫm mang tính triết lí của tác giả về cuộc đời và con người.
– Thiên nhiên được gợi qua hình ảnh cụ thể của nắng và mưa:
+ Các từ chỉ mức độ: “Vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi dần”, “bớt” được sử dụng thể hiện rõ sự chuyển biến: hạ nhạt dần và thu đậm nét hơn.
+ Lúc chớm thu, nắng hạ vẫn còn nhưng đã nhạt dần.
+ Mưa đã vơi dần.
– Hình ảnh ẩn dụ thể hiện những suy ngẫm mang tính triết lí của tác giả về cuộc đời và con người:
+ Ý nghĩa tả thực: Hiện tượng thời tiết thay đổi: sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ và dần ít đi khi sang thu.
+ Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” biểu trưng cho những giông tố, biến cố của cuộc đời được đặt cạnh “hàng cây đứng tuổi” ẩn dụ cho sự từng trải của con người, chỉ những con người từng vượt qua khó khăn, thăng trầm để làm nổi bật bản lĩnh cứng cõi của con người trước những biến động của cuộc đời.
– Ngợi ca bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của mỗi con người trước những khó khăn, thử thách.

Kết bài
Đánh giá
– Về nghệ thuật:
Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi, độc đáo và mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.
– Về nội dung:
Qua bài thơ, nhà thơ đã thể hiện những cảm nhận tinh tế về những biến chuyển của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, đồng thời thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc mang tính triết lí về con người và cuộc đời.