Đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ Văn – Quận Hà Đông

 

NovaTeen giới thiệu Đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ Văn – Quận Hà Đông và lời giải chi tiết. Qua đó giúp các em có thêm kiến thức để tự tin thi vào lớp 10.

Giới thiệu đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ Văn – Quận Hà Đông

Phần I: (5đ)

Trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, tác giả Vũ Khoan viết:

Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị của bản thân con người là quan trọng nhất.  Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi trội”.

  1. Tác giả Vũ Khoan viết văn bản trên vào thời điểm nào? Thời điểm đó có ý nghĩa gì? (1 điểm)
  2. Xác định và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên? (0,5 điểm)
  3. Em hiểu từ “hành trang” trong đoạn trích trên như thế nào? Vì sao tác giả khẳng định: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân của con người là quan trọng nhất.” (1,0 điểm)
  4. Từ ý kiến trên, kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về việc chuẩn bị hành trang để bước vào tương lai của thế hệ trẻ ngày nay. (2,5đ)

Xem thêm>>> Bí quyết học giỏi môn văn 9 để thi đỗ vào lớp 10

Phần II: (5,0 điểm)

Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải viết:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

  1. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ nào? Trong chương trình Ngữ văn 9 em đã được học bài thơ nào có cùng thể thơ với bài thơ trên? Ghi rõ tên bài thơ và tác giả? (1,0đ)
  2. Xác định nhân vật trữ tình và mạch cảm xúc của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”? (1,0 đ)
  3. Bằng một đoạn văn quy nạp có độ dài khoảng 10 câu, có sử dụng câu hỏi tu từ và phép nối, hãy trình bày suy nghĩ củ em về khổ thơ trên? (Chú thích rõ câu hỏi tu tù và phép nối). (3,0 đ)
Nhà thơ Thành Hải
Nhà thơ Thành Hải

Xem thêm>>> Đề thi học kì I môn Văn lớp 9 của quận Hoàn Kiếm – Năm học 2018-2019

Hướng dẫn giải Đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ Văn – Quận Hà Đông

Phần I:

Câu 1. 

– Tác giả Vũ Khoan viết văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” trong những  năm đầu của thế kì XXI.

– Đó là thời điểm quan trọng trên con đường phát triển và hội nhập thế giới.

Câu 2. 

– Thành phần biệt lập: có lẽ

-> Thành phần tình thái.

Câu 3.

– Từ “hành trang” trong đoạn trích trên  có thể hiểu là hành trang tinh thần như tri thức, kĩ năng, thói quen,… để đi vào một thời kì mới.

– Tác giả khẳng định “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân của con người là quan trọng nhất.” vì:

+ Con người là động lực phát triển của lịch sử.

+ Nền kinh tế tri thức phát triển thì vai trò của con người càng nổi trội và được khẳng định.

Vũ Khoan, tác giả văn bản: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Vũ Khoan, tác giả văn bản: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Câu 4.

Đất nước ta đang bước vào một thế kỉ mới – một thời kì hội nhập kinh tế thế giới mới, vì vậy những người trẻ tuổi đều phải chuẩn bị cho mình một hành trang vững vàng hơn khi bước vào thế kỉ này, vì tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước, là nguồn lực chính đưa đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu trên thế giới. Hành trang có thể hiểu là những tri thức, kĩ năng, thói quen, được coi là những điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể tự tin trước sự phát triển chóng mặt của khoa học – kĩ thuật, của sự hội nhập kinh tế thế giới với tính kỉ luật và cường độ lao động cao.

Việc chuẩn bị hành trang như vậy sẽ giúp cho chúng ta có thêm nhiều kiến thức, bổ sung thêm tri thức, kỹ năng cho mỗi người, bên cạnh đó giúp ta vững vàng hơn và không bị bỡ ngỡ khi bước vào thế kỷ mới. Đối với đất nước và xã hội, việc chuẩn bị hành trang sẽ là một bước đệm để đưa đất nước phát triển, giúp đất nước hòa nhập với nền kinh tế thế giới, thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu để sánh vai với các cường quốc năm Châu.

Là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta phải là những người đi đầu tiên phong trong học tập, học tập một cách có hiệu quả. Biết mở rộng vốn kiến thức của mình bằng việc thu thập các thông tin trên sách báo, ti vi, internet,… Nhanh chóng thu nhận thông tin từ các nước bạn bè để đưa ra các biện pháp giúp đất nước phát triển bằng hoặc hơn các nước bạn, nắm vững tri thức và kịp thời vận dụng các tri thức ấy vào sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.

Có như vậy thì đất nước ta mới phát triển trong thời kỳ nền kinh tế tri thức này. Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới của thanh niên là vô cùng cần thiết. Nó giúp cho đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu và có thể hội nhập với kinh tế thế giới một cách bình đẳng. Vì vậy mà chúng ta – thế hệ tương lai của đất nước hãy chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào thế kỷ mới một cách vững vàng nhất có thể.

Phần II Đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ Văn – Quận Hà Đông

Câu 1.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ năm chữ.

– Trong chương trình Ngữ văn 9, bài thơ “Nói với con ” của Y Phương cũng được viết theo thể thơ này.

Câu 2.

– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhân vật “tôi” – cũng chính là tác giả Thanh Hải.

– Mạch cảm xúc của bài thơ: được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rộng ra với mùa xuân đất nước, cách mạng. Cảm xúc lắng đọng dần vào suy tư và ước nguyện. Nhà thơ muốn hòa nhạc vào bản hòa ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “Một mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ khép lại với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

Câu 3 

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

(1)Thanh Hải đã hơn một lần xin được làm “Một mùa xuân nho nhỏ” để góp phần làm đẹp cho mùa xuân lớn của dân tộc.

(2)Đây chính là một hình ảnh ẩn dụ đặc sắc của tác giả, từ láy “nho nhỏ” thể hiện ước muốn, khát vọng khiêm tốn và giản dị của nhà thơ, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp cho mùa xuân đất nước.

(3)Ước nguyện hóa thân vô cùng cháy bỏng ,nhưng được tác giả âm thầm“lặng lẽ dâng cho đời”.

(4)Tính từ “lặng lẽ” đã cho thấy vẻ đẹp của một tâm hồn, lối sống và nhân cách.

(5)Mùa xuân của Thanh Hải không hề khoa trương, ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ hiến dâng.

(6) Dâng cho đời là dâng một cách tự nguyện, không đòi hỏi sự đền đáp.

(7) Đó chính là lối sống, cống hiến đẹp đẽ, vô tư, trong sáng mà con người cần hướng tới.

(8) Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc không chỉ xúc động trước một giọng thơ ấm áp, mà còn xúc động trước lời tâm sự thiết tha của một con người đã trải qua hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.

(9)Khổ thơ giống như một lời khẳng định sự tồn tại bền vững của khát vọng sống, lý tưởng sống là cống hiến, hy sinh đồng thờ giúp ta thấy được cảm xúc chân thành tha thiết và lối sống cao đẹp của Thanh Hải.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *