Một số lưu ý khi chọn lọc dẫn chứng trong văn nghị luận

Cách lấy dẫn chứng trong văn nghị luận

Dẫn chứng có vai trò quan trọng trong văn nghị luận. Tuy nhiên, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận, học sinh thường gặp rất nhiều khó khăn và sai sót. Novateen sẽ giới thiệu đến các bạn học sinh một số lưu ý khi chọn lọc dẫn chứng trong văn nghị luận.

Một số lỗi thường gặp khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận

Dẫn chứng và lí lẽ là hai yếu tố quan trọng tạo nên luận cứ trong bài văn nghị luận. Tuy nhiên, học sinh thường mắc một số lỗi không đáng có trong quá trình chọn lọc dẫn chứng trong văn nghị luận:

– Thường trích dẫn sai dẫn chứng, làm ảnh hưởng đến tính xác thực của văn bản nghị luận.

– Đưa dẫn chứng không kết hợp với việc phân tích dẫn chứng, khiến lí lẽ đưa ra trở nên hời hợt và không sâu sắc.

– Chọn lọc dẫn chứng không tiêu biểu nên không làm sáng rõ được vấn đề cần nghị luận.

– Đưa những dẫn chứng quá quen thuộc, không mới mẻ làm giảm đi tính hấp dẫn của văn bản nghị luận.

– Trong bài có quá ít dẫn chứng dẫn đến không đủ sức thuyết phục cho luận điểm. Hoặc đưa quá nhiều dẫn chứng vào bài khiến bài văn lan man, sáo rỗng và không sâu sắc.

Những lưu ý khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận

Dẫn chứng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận, học sinh cần lưu ý những vấn đề sau:

– Thứ nhất, khi chọn lọc dẫn chứng trong văn nghị luận phải đảm bảo sự chính xác

Nếu không đảm bảo được yếu tố chính xác, dẫn chứng sẽ không làm sáng rõ được luận điểm. Đối với dẫn chứng là thơ, người viết cần trích dẫn đúng nguyên văn. Đối với văn xuôi thì tóm lược ý nhưng cần đảm bảo tính chính xác về nội dung, tác giả, tác phẩm. Có không ít trường hợp trích dẫn sai dẫn chứng, chẳng hạn như trường hợp trích dẫn ngữ liệu từ bài thơ “Tràng giang” của tác giả Huy Cận: Nắng xuống, trời lên cao chót vót (Đúng phải là Nắng xuống, trời lên sâu chót vót); hoặc nhầm lẫn về chi tiết, cốt truyện trong “Vợ chồng A Phủ”: Mị vốn là người yêu của A Phủ nhưng bị A Sử bắt về làm vợ.

Những sai sót này ảnh hưởng không  nhỏ đến tính thuyết phục của bài văn nghị luận. Do đó, chúng ta cần nắm dẫn chứng một cách chính xác, rõ ràng.

Lấy dẫn chứng trong văn nghị luận
Lấy dẫn chứng trong văn nghị luận phải đảm bảo sự chính xác

– Thứ hai, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải đảm bảo yếu tố cần và đủ

Bài văn nghị luận cần có nhiều hơn một dẫn chứng. Lấy quá ít dẫn chứng thì vấn đề nghị luận sẽ không được làm sáng tỏ. Bên cạnh những dẫn chứng mang tính chất bản lề và bắt buộc, người viết cần liên hệ thêm những dẫn chứng để có sự liên hệ, so sánh. Tuy nhiên, nếu đưa quá nhiều dẫn chứng vào bài sẽ khiến bài văn nghị luận bị loãng. Bởi vậy, khi đưa dẫn chứng vào bài cần lưu ý yếu tố cần và đủ, không thiếu dẫn chứng nhưng cũng không có quá nhiều dẫn chứng. Việc đưa dẫn chứng tùy thuộc vào việc có bao nhiêu vấn đề được nêu ra trong luận điểm. Thông thường, với mỗi một lí lẽ, người viết cần đưa ra ít nhất một dẫn chứng đi kèm.

Thứ ba, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải đảm bảo tính điển hình, tiêu biểu

Ngoài việc đưa dẫn chứng phong phú, người viết còn cần biết chọn lọc dẫn chứng, ưu tiên những dẫn chứng điển hình và tiêu biểu. Thông thường, học sinh thường chọn những dẫn chứng quen thuộc. Chẳng hạn như khi bàn luận về vấn đề “Nghị lực sống vượt lên trên hoàn cảnh”, học sinh thường lấy những dẫn chứng về thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí kiên trì luyện viết chữ bằng chân. Hay Mạc Đĩnh Chi bắt đom đóm cho vào vỏ trứng, lấy ánh sáng học bài. Rõ ràng, những dẫn chứng này đều đúng. Nhưng vì đã quá quen thuộc nên sẽ không tạo ra được tính hấp dẫn cho bài văn.

Người viết nên sử dụng những dẫn chứng mới mẻ hơn. Chẳng hạn như câu chuyện về Nic Vujicic- tấm gương vượt khó, dù sinh ra không có tay chân nhưng vẫn mạnh mẽ vượt lên để trở thành diễn giả nổi tiếng. Rõ ràng dẫn chứng này sẽ truyền thêm cảm hứng cho rất nhiều người. Như vậy, chúng ta nên chọn lọc những dẫn chứng mới mẻ thông qua việc thường xuyên tìm hiểu và cập nhật các thông tin về đời sống văn hóa- xã hội.

Thứ tư, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải kết hợp với việc phân tích dẫn chứng.

Khi đưa dẫn chứng vào bài, cần kết hợp với việc phân tích, đánh giá dẫn chứng. Thao tác này sẽ khiến cho dẫn chứng phát huy hết vai trò, hiệu quả. Nếu không phân tích, đánh giá, bài văn sẽ trở nên hời hợt, sáo rỗng. Không sâu sắc và đủ sức tác động đến người đọc. Để làm được điều này, người viết cần hiểu đúng, đánh giá đúng và cảm thụ đúng về giá trị của dẫn chứng.

Thứ năm, khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận cần đảm bảo tính logic và hệ thống

Khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận, người viết cần đảm bảo tính hệ thống. Nghĩa là các dẫn chứng phải được sắp xếp theo một trình tự, quy luật nhất định. Ví dụ như việc sắp xếp dẫn chứng theo trục thời gian tuyến tính (từ lịch sử, quá khứ đến thời điểm hiện tại). Hoặc theo chiều không gian (từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần,…. hoặc ngược lại). Tính hệ thống sẽ giúp cho người viết tránh được tình trạng đưa dẫn chứng một cách tràn lan và mất kiểm soát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *