Đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018

Đề thi môn Ngữ văn vào 10 Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018 p1

Đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018. Đây là đáp án được một giáo viên dậy giỏi Văn ở Hà Nội gợi ý và giải đáp cụ thể. Cha mẹ phụ huynh học sinh có thể dùng đề và đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên KHTN để cho con ôn luyện.

Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018

 

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018 p2
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018 p2

 

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018 p1
Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018 p1

Đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018 (phần bắt buộc)

  1. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH

Câu I. (3 điểm)

1) Trắc nghiệm (1 điểm)
  1. B. Sang thu
  2. A Làng (văn học hiện đại)
  3. B. 1948
  4. A. Thành ngữ
2) Tiếng Việt (2 điểm)
  1. a) Thành phần biệt lập trong các câu trên lần lượt là :

– “Chao ôi”. Đây là câu cảm thán.

– “và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi”. Đây là thành phần phụ chú.

  1. b) Trong đoạn thơ đã cho sử dụng biện pháp tu từ so sánh:

Hình ảnh được so sánh là “Tổ quốc” với “Bà mẹ” Việt Nam.

        Đây là hình ảnh gợi cảm, giản dị mà ý nghĩa sâu sắc. Tổ quốc được ví như hình ảnh bà mẹ Việt Nam luôn nhẫn nại, hi sinh, bao bọc cho các con mình. Suốt đời mẹ vất vả lam lũ nhưng vẫn bình thản, không một lời kêu than.

         Biện pháp tu từ so sánh trên là một hình ảnh đẹp. Nó dùng để ca ngợi công lao của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời thể hiện lòng yêu Tổ quốc của tác giả Tố Hữu.

Câu II (2 điểm)

Đoạn văn mẫu:

          Lời nói trong giao tiếp ứng xử được xem là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ tri thức, văn hóa của mỗi con người. Nếu biết sử dụng lời nói có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày thì chúng ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu quý. Trong giao tiếp, ta cần biết tuân thủ một số nguyên tắc sau. Đối với người lớn tuổi hơn, ta phải lễ phép chào hỏi, sử dụng kính ngữ. Đối với bạn bè hoặc người kém tuổi, ta có thể nói chuyện thoải mái hơn. Nhưng vẫn cần biết chừng mực, khuôn khổ.

          Người Việt có truyền thống tốt đẹp trong văn hóa giao tiếp. Cha mẹ dạy con từ những điều nhỏ nhất “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cho đến những vấn đề như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Nhập gia tùy tục”… Ngày nay, chúng ta giao tiếp trong môi trường quốc tế hóa. Ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó. Và luôn ý thức phải tự tin, hòa nhã, thân thiện và lịch sự để hợp tác với mọi người. Giao tiếp linh hoạt, đúng mực là sự thể hiện trình độ văn hóa của chính chúng ta.

         Đoạn văn trên đã lấy câu “Lời nói trong giao tiếp ứng xử được xem là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ tri thức, văn hóa của mỗi con người” làm chủ đề. Sau đó triển khai theo hình thức tổng phân hợp. Trong đó câu ghép nối là “Nếu biết sử dụng lời nói có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày thì chúng ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu quý” được nối bằng quan hệ từ “Nếu…thì”.

Đáp án đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT chuyên KHTN năm 2018 (phần bắt tự chọn)

  1. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu III a hoặc III b để làm bài)

Câu III a (5 điểm)

Bài văn mẫu gợi ý

      Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ của phong trào thơ ca chống Mĩ. Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng như “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Đò lèn”,…“Ánh trăng” cũng là tác phẩm được nhiều người biết đến. Ra đời năm 1978 – ba năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bài thơ ghi lại chân thực một thoáng giật mình của thi sĩ trước vẻ đẹp vầng trăng ân tình.

    Trong cuộc sống mới, sinh hoạt mới, con người bị cuốn vào guồng quay của công việc. Guồng quay của cuộc sống mà vô tình quên đi những ân tình, những kỉ niệm của quá khứ. Nhưng vầng trăng vẫn vậy, tình nghĩa, thủy chung một lòng, không có chút thay đổi. Ý vị xót xa của bài thơ được thể hiện rất rõ trong toàn bài thơ, đặc biệt là trong khổ thơ cuối của bài.

     Bài thơ “Ánh trăng” là lời tự nhắc nhở bản thân của nhà thơ. Đó là ký ức về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính. Vầng trăng gắn bó với tác giả suốt cả một quãng đời tuổi thơ. Trăng lại tiếp tục dõi theo từng bước chân hành quân trong suốt cuộc chiến. Cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ và cùng tận hưởng chiến thắng. Người và trăng lúc ấy gắn bó với nhau như những người bạn tri âm tri kỉ.

    Ngỡ như không bao giờ quên được “vầng trăng tình nghĩa” ấy. Nhưng, sự thay đổi của lòng người như một nhát chổi cuống phăng đi tất cả những kỉ niệm, hình ảnh về vầng trăng:

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”

      Chiến tranh kết thúc, những người lính rời khỏi chiến trường khốc liệt để trở về quê hương xứ sở. Họ tận hưởng một cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, văn minh hơn. Người lính ngày xưa bây giờ được sống trong “ánh điện, cửa gương”. Vầng trăng xưa dần dần bị phai nhạt trong kí ức của họ. Vầng trăng giờ đây không còn là “vầng trăng tri kỉ” hay “vầng trăng tình nghĩa” nữa. Trăng đã trở thành một “người dưng”. Một người không có bất kì mối quan hệ nào với người lính.

      Phép nhân hóa “người dưng qua đường” đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Nó đã làm nổi bật lên sự thay đổi của lòng người. Sự ồn ã của phố phường. Sự bận bịu mưu sinh bươn chải kiếm sống. Cùng với sự vô tâm của người lính đã lấn át đi lí trí của họ. Mà xóa bỏ vầng trăng ra khỏi trí nhớ. Điều này cũng nói lên một thực tế: khi con người được tận hưởng sự sung sướng đến từ vật chất thì họ bắt đầu lãng quên những kí ức gắn bó với mình lúc khó khăn.

       Cuộc đời cũng như dòng sông có lắm thác ghềnh quanh co uốn khúc. Đôi khi xảy ra những chuyện không bao giờ lường trước được:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

       Đèn điện tắt, cuộc sống hiện đại xa hoa của chốn thị thành bất chợt dừng lại. Bao quanh con người giờ đây chỉ là một màn đêm. Như là một bản năng, con người không bao giờ muốn ở trong bóng đêm. Họ tìm mọi cách để có được ánh sáng thế là “vội bật tung cửa sổ”. Trước mặt người lính bây giờ là “vầng trăng tròn”. Một người bạn tri âm tri kỉ đã bị lãng quên bấy lâu nay. Vầng trăng ấy vẫn cứ “tròn”, vẫn lành lặn vẹn nguyên như hồi nào. Trăng không bỏ đi dù người lính có lãng quên trăng. Trăng không trách cứ hờn dỗi dù có bị xem là “người dưng”. Cái lòng vị tha, bao dung của ánh trăng đã làm thức dậy trong nhà thơ những suy nghĩ bâng khuâng.

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng, là bể

như là sông, là rừng”

        Mặt người phải đối diện với mặt trăng? Hay chính tác giả đang phải đối diện với người bạn tri kỉ củ? Vầng trăng im lặng, chẳng nói. Trăng không trách móc mà nhà thơ vẫn cảm thấy “có cái gì rưng rưng”. Cảm xúc giờ đây như muốn trào ra thành từng giọt nước mắt. Điệp từ “như là” cùng với cấu trúc song hành và nghệ thuật liệt kê. Nó đã làm nổi bật lên dòng kí ức tuôn trào, vỡ òa trong thâm tâm của nhà thơ. “Đồng, bể, sông, rừng”, những cảnh vật đã gắn bó với người lính ngày xưa ùa về. Nó như là một thước phim chiếu lại những kỉ niệm thân thương mà bị lãng quên. Giọt nước mắt bây giờ khiến cho tâm hồn nhà thơ trở nên thanh thản, trong sáng lại. Giúp ông nhận ra lỗi lầm của mình.     

        Trong bài thơ “Ánh trăng”, hình ảnh vầng trăng đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho những kí ức. Biểu tượng cho quá khứ và vẻ đẹp đời sống bình dị, vĩnh hằng. Nhắc đến trăng là Nguyễn Duy muốn nhắc đến lối sống ân tình thủy chung.

       Nếu ở những khổ thơ trước đó, Nguyễn Duy đã gợi mở ra khoảnh khắc khu phố mất điện. Để rồi giật mình nhìn thấy vầng trăng bao nhiêu kỉ niệm. Một hình ảnh quá khứ gắn bó với trăng cũng như dòng thác lũ ào ào mà đổ về. Hình ảnh quá khứ càng tươi đẹp bao nhiêu, càng gắn bó bao nhiêu thì nhà thơ càng tự trách mình bấy nhiêu. Trách mình sao nỡ vô tình mà quên đi. Để bây giờ nhớ lại thì trong lòng lại dâng đầy tư vị của niềm xót xa. Nói về sự thủy chung của ánh trăng, cũng là lời nhắc nhở, kiểm điểm chính mình. Khổ thơ cuối chứa những triết lí ý nghĩa khiến cho độc giả phải suy ngẫm:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

         Trăng, một nhân chứng cho những kỉ niệm, những hồi ức khi xưa. Trăng gắn liền với cả một thời tuổi trẻ, cùng nhà thơ lớn lên. Khi trưởng thành thì vầng trăng theo sát từng chặng hành quân, chiến đấu gian khổ. Có thể nói, với Nguyễn Duy, vầng trăng không chỉ là một hiện tượng của tự nhiên, vũ trụ. Không phải là một vật vô tri vô giác. Mà là một người bạn, một người tri kỉ, là “vầng trăng tình nghĩa” của nhà thơ. Ở đây, vầng trăng đã trở thành biểu tượng của quá khứ. Biểu tượng của một thời gian khó nhưng không bao giờ có thể lãng quên. Là những phần kí ức sẽ luôn đi theo nhà thơ đến suốt cuộc đời.

        “Trăng cứ tròn vành vạnh”, “Tròn vành vạnh” tả vẻ đẹp vầng trăng thiên nhiên trong sáng, viên mãn. Về cái nhìn thị giác, tròn vành vạnh là vẻ đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên. Là cái đẹp không bao giờ gây nhàm chán, thất vọng với con người. Ngoài nghĩa tả thực, hình ảnh vầng trăng tròn, lặng lẽ còn biểu tượng cho sự thủy chung. Biểu tượng cho tình nghĩa đã từng có trong hồi ức. Những hồi ức ấy vẫn mãi “sáng”, vẫn mãi tròn trịa, viên mãn như vậy. Nó không hề có chút đổi thay, dù thời gian có trôi qua thì tình nghĩa của quá khứ vẫn còn đó, không hề phai nhạt. Nhưng sự cảm thán về vầng trăng chỉ là cách gợi mở để nhà thơ tự trách mình, trách mình lỡ vô tình, quên đi những hồi ức tốt đẹp ấy:

“kể chi người vô tình”

        Bao dung mà nghiêm khắc, nghiêm khắc nhưng không lạnh lùng, người bạn tình nghĩa vầng trăng, ánh trăng khiến con người giật mình và thức tỉnh. “Giật mình” là cảm giác, là phản xạ tâm lí của người biết suy nghĩ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, nông nổi trong cách sống của chính mình.

        “Giật mình” vì ăn năn, tự vấn; “Giật mình” vì lãng quên năm tháng xưa, bạn bè gian khổ, đói nghèo mà ân tình, ân nghĩa. Trong dòng thác vận động của cuộc sống, những cái “giật mình” như vậy mới đáng quý làm sao. Nó hướng con người đến những giá trị cao đẹp; bảo vệ con người trước những cám dỗ; níu giữ con người khỏi bị trôi trượt trong lo toan bộn bề của cuộc sống.

      Câu thơ cuối cất lên như một lời tự thú, một lời tự trách, một lời tự nhắc của nhà thơ.Nhà thơ tự trách mình đã quá vô tình, vô tình vì quên lãng, vô tình vì đã có những phút quên đi những ngày tháng, những kỉ niệm, những kí ức ấy. Sự tự trách của nhà thơ cũng làm cho người đọc phải suy nghĩ, chiêm nghiệm về chính bản thân mình.

     Trong cuộc sống con người rất dễ bị cuốn vào nhịp sống hối hả, tấp nập của cuộc sống mà vô tình quên đi những thứ bình dị nhưng đã đi sâu vào trong tiềm thức, đã xây kết thành những kỉ niệm vững chắc mà ta không bao giờ quên. Sự lãng quên ấy không đáng trách nhưng quay lưng lại với kí ức, với những kỉ niệm thì đó là những hành động thật đáng trách, thật đáng lên án.

      Tóm lại, “Ánh trăng” là bài thơ hay với thể năm chữ được vận dụng sáng tạo, giọng điệu tâm tình tự nhiên. Từ một câu chuyện riêng, được kể theo trình tự thời gian, phản ánh rất sinh động quy luật tâm lí của con người, lời thơ là lời nhắc nhở thấm thía: không nên vô tình, vị kỉ, phải thủy chung cùng bạn bè, nhân dân, đồng chí. Thái độ, tình cảm với quá khứ chưa xa nhiều hi sinh, mất mát, với những người đã ngã xuống hôm qua khiến “ánh trăng” nằm trong mạch cảm xúc uống nước nhớ nguồn, gợi lên đạo lí tình nghĩa, thủy chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Câu III b (5 điểm)

Bài văn mẫu

       Thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào thơ ca đã có nhiều chân dung quen thuộc và đáng yêu, đáng cảm phục. Đó là những chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Những cô gái mở đường trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ,… Và Lê Minh Khuê – một nhà văn thuộc thế hệ những tác giả bắt đầu sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bà cũng đóng góp một chân dung như thế cho văn học nước nhà. Đó là cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường.

    Là một cô gái thanh niên xung phong. Phương Định có nhiệm vụ cùng đồng đội san lấp những hố bom trên tuyến đường Trường Sơn lửa đạn. Dù ngày đêm đối mặt với đất bụi, khói bom nhưng Phương Định không hề mất đi vẻ trẻ trung, xinh đẹp của một cô gái mới lớn. Chị là người nhạy cảm và luôn quan tâm đến hình thức của mình. Chị tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm. Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, vẻ đẹp ấy của chị đã hấp dẫn bao chàng trai ”các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi”.

     Nhưng điều đặc biệt ở Phương Định là không bị ”cái nết đánh chết cái đẹp”; ngược lại, chị đã để sự dũng cảm, ngoan cường và vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, giàu tình thương tôn thêm vẻ đẹp cho mình.

      Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm. Đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới. Đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. 

     Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh. Họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trở thành bình thường: ”Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu. Chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”.

  Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thể phải phá tới năm quả bom. Nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách tột độ với thần kinh của Phương Định. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy căng thẳng đến cảm giác là các anh cao xạ ở trên kia cùng đang theo dõi từng động tác cử chỉ của mình để lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: “Tôi đến gần quả bom… đàng hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng… dấu hiệu chẳng lành”.

     Sống giữa nơi sự sống và cái chết tranh giành nhau từng li một như thế. Nhưng Phương Định không để tâm hồn mình mòn đi. Chị rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương và vô cùng lạc quan yêu đời.

      Giống như hai người đồng đội trong tổ trinh sát. Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ. Những người mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận. Phương Định đã lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Chị yêu thương và gắn bó với bạn bè nên có những nhận xét tốt đẹp đầy thiện cảm về Nho. Phát hiện ra vẻ đẹp dễ thương ”nhẹ, mát như một que kem trắng” của bạn. Chị còn hiểu và đồng cảm sâu sắc với những sở thích và tâm trạng của chị Thao.

      Phương Định cũng là người con gái có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư. Cô sống bên người mẹ thân thương trong một căn buồng nhỏ. Ngôi nhà nằm trên một đường phố yên tĩnh hồi ở Hà Nội còn thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội. Nó là niềm khao khát làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường. Vào chiến trường đã ba năm, làm quen với những thử thách hiểm nguy, giáp mặt hàng ngày với cái chết. Nhưng ở  Phương Định không mất đi sự hồn nhiên trong sáng. Và cả những mơ ước về tương lai: ’’Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có”.

     “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã miêu tả chân thực và sinh động tâm lí nhân vật. Tác phẩm được kể từ ngôi thứ nhất tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm qua việc để nhân vật tự sự về mình.

     Phương Định là cô thanh niên xung phong trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn những ngày kháng chiến chống Mĩ. Qua nhân vật này, chúng ta hiểu hơn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy.

    Bước chân lên đường đánh Mĩ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, có những người vừa rời ghế nhà trường. Tâm hồn các anh, các chị trong trẻo, đầy ước mơ, khao khát và đặc biệt là giàu lí tưởng. Chính những kỉ niệm êm đẹp về gia đình như kỉ niệm về người mẹ trên căn gác nhỏ của Phương Định hay những những kỉ niệm về bạn bè, mái trường,… là hành trang để các anh, các chị mang vào trận chiến.

   Sống giữa nơi đầu tên mũi đạn họ chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ một cách ngoan cường, dũng cảm. Ai bảo không có những phút giây yếu lòng, lo lắng? Ai bảo tâm hồn họ là thép là đá? Không. Con tim họ cũng biết run lên khi tiếng súng phát nổ. Thần kinh họ cũng căng ra khi quan sát trái bom…

Nhưng điều đáng quý và điều làm nên sự khác biệt ở họ. Đó là các anh các chị đã giữ được tâm hồn trong trẻo, giàu yêu thương đối với gia đình, đồng đội, đất nước. Và rồi, chính những tình cảm cao đẹp đó đã trở thành động lực. Để họ chiến thắng những phút giây hiểm nguy, nao núng. Các anh các chị thực sự là “… những con người Việt Nam đẹp nhất / Biết căm thù và cũng biết yêu thương” như nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi. Không tiếc tuổi thanh xuân, họ hiến dâng trọn vẹn cho Tố quốc những gì quý giá nhất:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

     Đọc “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Người đọc thấy khâm phục và yêu mến Phương Định. Trước hết đó là bởi những nét tính cách đáng quý của cô. Nhưng không chỉ vậy, qua nhân vật này. Chúng ta còn cảm nhận được hình ảnh, tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ hào hùng gian khó. Và đây cũng là thành công quan trọng nhất của tác phẩm giàu chất nhân văn này.

Trên đây là đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên KHTN năm 2018. Phần gợi ý và đáp án đề thi Ngữ văn vào lớp 10 do giáo viên giỏi của Novateen biên soạn. Hy vọng rằng với những bài viết trên sẽ giúp ích cho các bạn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT.

NovaTeen – Học là Giỏi Thi là Đỗ

Địa điểm: Novaedu – Tầng 2 – Tòa A – số 22 – Thành Công – Ba Đình – Hà Nội.

ĐẶC BIỆT: Trải nghiệm 2 buổi học đầu tiên miễn phí. Link đăng kí:https://bit.ly/Novateenlop9

Hotline tư vấn miễn phí: 0989492020

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *