Câu hỏi ôn tập của bài Đi đường – Hồ Chí Minh

NovaTeen giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 8 hệ thống câu hỏi ôn tập của bài: Đi đường – Tác giả Hồ Chí Minh

Câu hỏi ôn tập của bài Đi đường

Câu 1: Hãy so sánh bài thơ dịch của Nam Trân với nguyên tác bài Tẩu lộ của Hồ Chí Minh để hiểu chính xác từng câu trong bài thơ.

Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam (Tác giá bài thơ Đi đường)

Bài dịch của Nam Trân khá hay , lời thoát, âm hưởng phóng khoáng giữ được ý so với nguyên tác. Đặc biệt hai câu cuối có thể nói là rất hay.

Tuy nhiên có một số chỗ chưa hoàn toàn trung thành với nguyên tác như việc chuyển đổi thể thơ (từ tứ tuyệt sang lục bát) làm giảm đi cái gân guốc chắc khỏe của bài thơ. Bên cạnh đó là bản dịch cũng để mất điệp ngữ ở câu 1 ((Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan) làm ảnh hưởng không nhỏ đến ý thơ. Câu 2, hai chữ “trùng san” dịch là “núi cao” cũng chưa sát vì Trùng san (lớp núi, dãy núi) ý nói là vừa đi hết dãy núi này lại tiếp ngay đến dãy núi khác, tức là gian nan nối tiếp gian nan như chồng chất, bất tận.

Xem thêm>>> Hệ thống câu hỏi ôn tập bài: Nước Đại Việt ta (Bình ngô Đại Cáo) – Lớp 8

Câu 2: Tìm phép điệp ngữ và nêu hiệu quả nghệ thuật của phép điệp ngữ được sử dụng nhiều lần trong bài thơ.

– Điệp ngữ trong câu 1: Tẩu lộ (đi đường) làm nổi bật ý thơ “tẩu lộ nan” (đi đường thật khó khăn gian khổ). Giữa hai từ tẩu lộtài tri (mới biết) khiến cho điệp ngữ ấy càng gợi lên sự suy ngẫm, thấm thía: Tẩu lộ là nguyên nhân để có một nhận thức sâu sắc và giản dị: tẩu lộ nan.

– Điệp ngữ trong câu 2: Trùng san (hết lớp núi này lại đến lớp núi khác) nhấn mạnh những gian lao mà người đi đường phải trải qua.

– Trong câu 3: Có điệp lại một lần nữa từ trùng san không phải là sự lặp lại gian đơn. Thật ấn tượng khi đó là trùng san (ở đầu câu 3, tiếp nối câu 2, thì người đi đường đã đến cao phong). Nhờ điệp ngữ đó , câu 3 có cách chuyển bất ngờ nhưng hợp lý: Vượt qua những dãy núi, chiến thắng khó khăn thì sẽ lên được tới đỉnh cao chót vót và mọi gian lao sẽ lùi lại phía sau để mở ra trước mắt là niềm vui, là hạnh phúc.

Câu 3: Ý nghĩa tư tưởng của bài Đi đường gợi cho em nhớ đến bài thơ nào trong chương trình Ngũ văn lớp 8? So sánh sự giống nhau của 2 bài thơ?

– Bài thơ Đi đường gợi nhớ đến bài thơ Đập đã ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh . Ý nghĩa, tư tưởng của hai bài thơ này gặp nhau ở chỗ: Từ những công việc cụ thể như: đập đá, đi đường gợi đường đời, đường cách mạng nhiều gian khổ, khó khăn, thử thách con người, nhưng có ý chí, tinh thần và nghị lực thì nhất định sẽ vượt qua.

Câu 4: Từ bài thơ “Đi đường”, hãy viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về con đường học tập phía trước của bản thân.

Xem thêm>>> Hình tượng người dũng tướng Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ – Ngữ Văn lớp 8

Bài thơ Đi đường là một bài thơ tiêu biểu cho tinh thần, nghị lực của Hồ Chí Minh, nó thật sự đã để lại trong lòng người đọc nhiều bài học đáng suy ngẫm.  Đặc biệt với những người học sinh nó gợi lên rất nhiều suy nghĩ về con đường học tập của bản thân

Đi đường của Hồ Chí Minh đã đưa ra một bài học tưởng chừng như đơn giản là có đi đường thì mới biết đường khó, đường đi khó khăn là vậy mà người đi đường đâu có được thảnh thơi, phải chịu xiềng xích vòng quanh chân với tay. Nhưng người đi đường không nản chí, nản lòng vượt qua bao khó khăn để lên đến đỉnh cao chót vót. Như vậy, mỗi gian khó của người đi đường dẫu là chồng chất liên tiếp nhưng không phải là bất tận, chỉ cần chịu khó thì hành trình ấy sẽ không phải là vô ích, lúc ấy niềm vui sẽ tới, con người sẽ làm chủ thiên nhiên vũ trụ.

Bài thơ Đi đường ra đời trong những năm tháng Bác Hồ bị bắt giam trong nhà lao Tưởng Giới Thạch. Bác bị chúng giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác. Đường chuyển lao không những dài dặc mà còn vô cùng gian lao, phải trải qua núi non trùng diệp và những vực thẳm hun hút hiểm sâu. Nhưng dẫu vậy, từ trong khổ đau vẫn bừng lên ý chí “thép” mang đậm phong cách Hồ Chí Minh. Bài thơ “Đi đường” – “Tẩu lộ” đã thể hiện rõ điều đó.

Con đường học tập cũng tương tự như hành trình của người đi đường. Học tập là hành động tiếp thu tri thức của nhân loại. Chúng ta có thể học ở thầy cô giáo, học trong sách vở, hoặc học ở chính những người bạn của mình…. Tri thức là vô biên, nó giống như một đại dương còn những gì ta biết chỉ giống như một hạt muối nhỏ. Vì thế con đường học tập cũng là một con đường rất dài nhiều gian nan và thử thách. Nó đòi hỏi người học không được nản chí, nản lòng,  phải thật sự say mê và nhiệt huyết.

Thật vậy, nhiều lúc ta đau đầu với các phép tính sin, cot trong toán học, thấy nó thật phức tạp và khó hiểu. Rất nhiều bạn cảm thấy nản lòng mà sợ hãi, bỏ qua môn toán. Hay nhiều lúc chúng ta thấy quyển sách Ngữ văn thật nhàm chán, chỉ toàn chữ là chữ, gây buồn ngủ. Đó chính là những thử thách trên con đường học mà chúng ta phải vượt qua. Hãy tự tạo ra cho mình những suy nghĩ tích cực, động viên mình vượt qua những khó khăn.

Chẳng hạn như bạn hãy cố gắng suy nghĩ, động não để tìm ra đáp án của những bài toán khó, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè… rồi sẽ đến lúc bạn thấy môn toán thật thú vị và có ích. Hay với môn văn, hãy thật sự làm bạn với các nhân vật văn học, hiểu tính cách, hoàn cảnh của họ thì chắc chắn bạn sẽ thấy môn văn thật sự rất hay…

Bắt đầu học và tiếp thu một thứ gì mới, ai cũng vậy đều cảm thấy khó khăn. Nhưng nếu ta dễ dàng đầu hàng thì ta sẽ chẳng học được thứ gì hết, kiến thức với ta sẽ mãi xa vời. Nhưng nếu vượt qua được sự bỡ ngỡ rồi thì bạn sẽ nhận lại được những kết quả vô cùng quý giá và tuyệt vời. Có kiến thức rồi bạn sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, mọi việc bạn làm cũng dễ dàng hơn và hơn hết người có kiến thức sẽ được mọi người rất tôn trọng và quý mến.

Hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu như bác sĩ mà thấy các loại thuốc quá phức tạp thì bác sĩ có cứu người được không? Nếu như anh kĩ sư xây dựng không chịu học thiết kế bản vẽ vì nó quá khó thì anh có xây dựng được các căn nhà không? Bác nông dân chỉ dựa vào kinh nghiệm mà người xưa truyền lại không chịu cập nhật các kiến thức khoa học kĩ thuật thì bác có đỡ vất vả và làm giầu nhờ nông nghiệp được không? Câu trả lời chắc chắn là không. Việc học là vô cùng quan trọng, nó nhiều khó khăn, thử thách nhưng khi vượt qua kết quả ta thu về lại thật là tuyệt vời.

Trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn rất nhiều người coi thường việc học, cho rằng việc học là khó, không chịu tìm tòi suy nghĩ đúng sai. Những người như thế nếu không thay đổi suy nghĩ sẽ sớm bị tụt lùi tại xã hội đang ngày càng văn minh, hiện đại ngày nay.

Là một người học sinh – mầm non tương lai của đất nước, hơn ai hết chúng ta phải hiểu được vai trò và tầm quan trọng của việc học, phải phấn đấu vượt qua những khó khăn trở ngại, tìm ra cho mình một phương pháp học tập phù hợp và tuyệt đối không bao giờ được bỏ cuộc trước những khó khăn. Có như thế chúng ta mới có thể đưa Việt Nam “sánh đôi với các cường quốc năm châu trên thế giới” đúng như lời Bác Hồ đã từng dạy bảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *