Kì thi tuyển sinh 9 lên 10 đang đến cận kề. Trong Chương trình Ngữ văn 9, những tác phẩm văn bản nghị luận cũng gây ra rất nhiều băn khoăn và trăn trở cho các bạn học sinh trong cách tiếp cận nó một cách có hiệu quả. Novateen sẽ giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 9 một số đề ôn luyện về văn bản nghị luận để giúp các em củng cố kiến thức vững vàng hơn.
Một số đề ôn luyện văn bản nghị luận trong chương trình Ngữ Văn 9
Đề 1:
Trong văn bản “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang Tiềm viết:
“Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần.
“Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kỹ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. … Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về.”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
1. Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên gì về việc đọc sách?
2. Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy. Tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất. Đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu. Như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích.
3. Đọc sách là một con đường quan trọng để tích luỹ, nâng cao học vấn. Em hãy trình bày suy nghĩ (Khoảng 2/3 trang giấy thi) về vấn đề đọc sách trong hoàn cảnh thế giới công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Xem thêm>> Tuyển sinh lớp học giỏi môn Văn lớp 9
Đề 2:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
“Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyền sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc 10 lần.”
(“Bàn về đọc sách” – Chu Quang Tiềm)
1. Nêu chủ để của văn bản Bàn về đọc sách. Đoạn trích trên đề cập đến khía cạnh nào của chủ đề.
2. Vì sao tác giả cho rằng: “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”.
3. Hãy viết một đoạn văn (khoảng ½ trang giấy thi) theo cách diễn dịch trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nhiều học sinh rất ít đọc sách, thờ ơ với sách. Trong đoạn văn có sử dụng một khởi ngữ và một thành phần biệt lập.

Xem thêm>> Làm thế nào để đạt điểm cao môn Văn lớp 9 trong các kỳ thi
Đề 3:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tình, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần.
“Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng ngẫm kỹ một mình hay, hai câu thơ đó đang làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất, đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tay châu báu hơi đầy, chỉ tố làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về.”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016, trang 4, 5)
1. Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.
3. Từ tinh thần của đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1/2 trang) theo kiểu tổng – phân – hợp, trình bày suy nghĩ của bản thân về phương pháp đọc sách cho cho hiệu quả.
Xem thêm>> Tại sao không học giỏi môn Ngữ văn Lớp 9
Đề 4:
Cho đoạn văn:
“…Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội”.
(Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD )
1. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
2. Câu chủ đề của đoạn văn trên là câu nào?
3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?
4. Từ được in đậm trong câu “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.” là thành phần biệt lập gì?
Đề 5:
Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“(1)Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta khiến chúng ta phải bước lên đường ấy. (2)Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, nghệ thuật lại tạo ra sự sống cho tâm hồn người.(3) Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”.
(Trích: Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?
2. Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau chủ yếu bằng phép liên kết nào?
3. Tìm động từ trong câu 3: Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn?
4. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu 1 và cho biết nó thuộc kiểu câu gì?
Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi. Nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta khiến chúng ta phải bước lên đường ấy.
Đề 6:
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
“Nghệ thuật nói nhiều với tư tưởng nữa, nghệ thuật không thể nào thiếu tư tưởng. Không tư tưởng, con người có thể nào là con người. Nhưng trong nghệ thuật, tư tưởng từ ngay cuộc sống hằng ngày nảy ra, và thấm trong tất cả cuôc sống. Tư tưởng của nghệ thuật không bao giờ là tri thức trừu tượng một mình trên cao.
1. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào ? Của ai ?
2. Đoạn văn sử dụng phép liên kết nào là chủ yếu ?
3. Đoạn văn trên được viết theo phép lập luận nào ? Ghi lại câu chủ đề của đoạn này ?.
4. Đoạn văn trên khiến cho em liên tưởng tới những tác phẩm nào cũng nói về những triết lý, những bài học sâu sắc của nghệ thuật ?
5. Tác giả có viết:“Trong nghệ thuật, tư tưởng từ ngay cuộc sống hằng ngày nảy ra, và thấm trong tất cả cuôc sống”, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc nêu suy nghĩ của mình về một văn bản đã học của chương trình Ngữ văn lớp 9.
Đề 7:
Đây là đoạn trích trong văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (Vũ Khoan):
“…Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ mới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.”
(Trích Ngữ Văn 9, tập hai, NXB Giáo dục)
1. Văn bản chưa đoạn trích trên được viết năm nào? Thời điểm lịch sử của văn bản đó ra đời có ý nghĩa đặc biệt gì?
2. Theo em, tại sao lớp trẻ lại được coi là những người chủ thực sự của đất nước.
3. Hãy viết một đoạn văn(Khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về một thói quen tốt đẹp của Người Việt Nam mà em biết.
Đề 8:
Cho đoạn trích:
“Trong một “thế giới mạng”, ở đó hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu gắn kết với nhau trong một mạng In-tơ-net thì tính cộng đồng là một đòi hỏi không thể thiếu được. Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bản sắc này thể hiện mạnh mẽ nhất trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe dọa. Nhưng tiếc rằng phẩm chất cao quý ấy thường lại không đậm nét trong việc làm ăn, có thể do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến“.
1. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Của ai? Văn bản này được sáng tác vào thời điểm nào?
2. Bài viết đề cập đến vấn đề cơ bản nào? Ý nghĩa của vấn đề đó.
3. Từ truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, em có suy nghĩ gì về tinh thần đoàn kết của nhân dân ta hiện nay?(trình bày bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi)
4. Văn bản này được viết theo phương thức biểu đạt chính nào? Kể tên hai văn bản đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 cũng được viết theo phương thức biểu đạt như văn bản này(ghi rõ tên tác giả).
Với những đề bài trên đây, hi vọng các Teen sẽ chăm chỉ ôn luyện tốt dạng bài văn bản nghị luận lớp 9.Từ đó đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10.