HomeNovaTeen PlusTài liệu ôn thi vào 10Đề thi thử 9 lên 10 môn Ngữ Văn Trường THCS Thái Thịnh
đề thi thử 9 lên 10 tại trường THCS Thái Thịnh

Đề thi thử 9 lên 10 môn Ngữ Văn Trường THCS Thái Thịnh

Để giúp các bạn học sinh tự tin hơn trong kì thi 9 lên 10, Novateen giới thiệu đến các em đề thi thử 9 lên 10 của Trường THCS Thái Thịnh cùng hướng dẫn làm bài của cô Trần Thị Vân Anh – giáo viên Ngữ văn tại Novateen – Giáo dục cam kết chất lượng. Chúc các em ôn thi, luyện đề thật tốt!

Đề thi thử 9 lên 10 môn Ngữ Văn năm học 2018 – 2019

Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I (4 điểm)

Một văn bản trong chương trình Ngữ văn 9 có viết:

“Trong thời đại hoàng kim này của khoa học , trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp , chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó”.

  1. Câu văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
  2. “Một biện pháp” mà tác giả đề cập đến trong câu văn trên là việc gì?
  3. Tại sao tác giả lại cho rằng: “trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp”ấy? Em hiểu thế nào về thái độ của tác giả về sự việc trên?
  4. Đất nước chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt và đau thương. Ngày nay, chiến tranh đã đi qua, thế hệ thanh niên đang được sống trong hòa bình. Bằng hiểu biết về văn bản trên và kiến thức xã hội, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình.

Xem thêm>>> Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ Văn Trường THCS Thành Công

đề thi thử 9 lên 10 tại trường THCS Thái Thịnh
Đề thi thử 9 lên 10 tại trường THCS Thái Thịnh

Phần II (6 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

(Kiều ở lầu Ngưng Bích – trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du,

SGK Ngữ văn 9)

  1. Chỉ ra một thành ngữ trong đoạn trích và giải nghĩa thành ngữ đó.
  2. Thời gian thực tế mà Kiều xa cha mẹ mình chưa nhiều, nhưng tại sao tác giả lại viết: “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Hãy lí giải về cảm nhân này của Kiều.
  3. Dựa vào đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn theo phương pháp lập luận diễn dịch khoảng 8 – 10 câu để làm rõ tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều. Trong đoạn có sử dụng một câu cảm thán và thành phần trạng ngữ. (Gạch chân và chú thích)
  4. Chép lại một bài ca dao em đã được học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ.

Lưu ý:

– Phần I (4 điểm): Câu 1: 0,5 điểm, Câu 2: 0,5 điểm, Câu 3: 1 điểm, Câu 4: 2 điểm.

– Phần II (6 điểm): Câu 1: 1điểm, Câu 2: 1 điểm, Câu 3: 3,5 điểm, Câu 4: 0,5điểm.

– Cán bộ trông thi không giải thích gì thêm.

Hướng dẫn làm bài thi thử 9 lên 10 Trường THCS Thái Thịnh

Phần I (4 điểm)

  1. Câu văn trên trích từ văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” (0,25 điểm)

Tác giả là G. Mác-két. (0,25 điểm)

  1. “Một biện pháp” mà tác giả đề cập đến trong câu văn trên là chiến tranh hạt nhân. (0,5 điểm)
  2. Tác giả lại cho rằng: “trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện phá” ấy vì biện pháp hạt nhân mà con người phát minh ra là hiểm họa khôn lường và nó ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống hòa bình của toàn thế giới (0,5 điểm).

Tác giả thế hiện thái độ phản đối gay gắt đối với vấn đề này (0,5 điểm).

  1. Các yêu cầu cần đạt:

Yêu cầu về hình thức:

– Viết đúng hình thức đoạn văn (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn)

– Trình bày rõ ràng, mạch lạc.

Yêu cầu về nội dung

+ Giải thích khái niệm “hòa bình”: là sự bình đẳng, tự do, không có bạo động, không có chiến tranh và những xung đột về quân sự.

+ Ý nghĩa của cuộc sống hòa bình:

  • Để dành được hòa bình, thế hệ cha anh đi trước – các anh hùng thương binh liệt sĩ đã chiến đấu hết mình, hi sinh xương máu.
  • Trạng thái đối lập của hòa bình là chiến tranh. Sống trong chiến tranh, con người sẽ đối diện với những thảm họa về mất mát, đau thương.
  • Sống trong hòa bình, con người sẽ được tận hưởng không khí của độc lập, tự do, yên bình và hạnh phúc.

+ Lật lại vấn đề:

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số tín đồ, đảng phái luôn sử dụng những chiêu trò công kích, kích thích, chống phá, gây ra bạo lực vũ trang,…

+ Bài học nhận thức và hành động:

  • Nâng cao nhận thức về ý nghĩa của hòa bình.
  • Cần tránh xa những thế lực gây ảnh hưởng đến nền hòa bình, đồng thời giữ gìn, bảo vệ hòa bình.

Phần II (6 điểm)

  1. Thành ngữ được sử dụng trong đoạn trích là: “Quạt nồng ấp lạnh”

Ý nghĩa của thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh”: chỉ sự chăm sóc, phụng dượng của con cái đối với cha mẹ: Vào mùa hè, tiết trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ, còn vào mùa đông khi trời giá lạnh thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn. Do đó, câu thơ thể hiện sự lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già.

  1. Thời gian thực tế mà Kiều xa cha mẹ mình chưa nhiều, nhưng tác giả lại viết: “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm” để thể hiện sự lo lắng, quan tâm của Thúy Kiều đối với cha mẹ. Thời gian trôi đi thì cha mẹ sẽ thêm một già yếu mà nàng thì không thể ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng. Cụm từ “cách máy nắng mưa” đã nhấn mạnh quãng thời gian xa cách bây giờ chưa lâu nhưng đồng thời cũng gợi lên một tương lai cách trở, xa vời
  2. Các yêu cầu cần đạt:

Yêu cầu về hình thức:

– Viết đúng hình thức đoạn văn (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn)

– Trình bày rõ ràng, mạch lạc.

– Đoạn văn có sử dụng câu cảm thán và thành phần khởi ngữ.

Yêu cầu về nội dung:

Làm rõ được lòng hiếu thảo của Thúy Kiều đối với cha mẹ thông qua các yếu tố:

– Mặc dù bán mình chuộc cha nhưng Kiều vẫn xót xa khi nghĩ tới cảnh cha mẹ ngày một già yếu.

– Hiểu rõ sự đau đớn, nhớ nhung con của cha mẹ, vì thế mà càng xót xa hơn khi nghĩ đến cảnh cha mẹ vì mình mà vò võ ngóng trông.

– Nàng lo lắng, xót xa vì mình không thể ở gần để ngày đêm phụng dưỡng song thân”

– Tác giả đã sử dụng những điển cố, điển tích “Sân Lai”, “gốc tử” để bộc lộ tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ. Đồng thời thể hiện lòng hiếu thảo đó xứng tầm với các tấm gương chí hiếu xưa.

  1. Bài ca dao thể hiện tấm lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ trong chương trình THCS:

“Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao, biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

 

Share:

Leave A Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Categories

ads sidebar 1

You May Also Like

Các nước châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai là một chủ đề trong bộ đề Sử dùng để thi tốt nghiệp THCS. Qua...
Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ Văn năm học 2017-2018 của Sở GD-ĐT Hưng Yên là một đề bài khá hay. NovaTeen giới thiệu...
NovaTeen giới thiệu đến các bạn Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn Tỉnh Hà Nam 2017-2018. Hi vọng với đề thi này...